.

Một đòi hỏi khó thành hiện thực

Quan hệ liên Triều đang trải qua cơn sóng gió, nhất là sau vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm trên vùng biển Hoàng Hải làm thiệt mạng 42 thủy thủ hồi tháng 3 vừa qua.
 
Mới đây, Seoul và Bình Nhưỡng đã có những động thái hòa giải như Hàn Quốc thực hiện viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân CHDCND Triều Tiên bị trận lũ lụt đe dọa, có các cuộc họp để tổ chức các cuộc gặp đoàn tụ gia đình…Tuy nhiên, về cơ bản cả  Seoul và Bình Nhưỡng chưa thật sự có những bước đi căn bản để thúc đẩy đối thoại, mở đường cho vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tái họp cũng như những trao đổi kinh tế, văn hóa giữa hai miền.

Mới đây, ngày 20-9, một quan chức cao cấp của Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ chỉ xem xét việc khôi phục viện trợ lương thực trên quy mô lớn cho CHDCND Triều Tiên nếu nước này cho thấy một cách rõ ràng sự hối lỗi về vụ tấn công gây thương vong đối với một tàu chiến của Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Um Jong-Sik đã hối thúc Bình Nhưỡng thừa nhận sai lầm của mình, xin lỗi và trừng phạt những người liên quan đến vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3.
 
Phát biểu trong một chương trình của đài phát thanh Seoul, Thứ trưởng Um Jong-Sik nói: "Tôi tin tưởng các quan hệ liên Triều chỉ có thể cải thiện nếu như những việc như vậy (CHDCND Triều Tiên chính thức xin lỗi) được thực hiện. Sau đó, những vấn đề như viện trợ lương thực trên quy mô lớn của chính phủ có thể được tiến hành". Ông cũng cho biết thêm Xơun sẽ đánh giá tình hình lương thực của CHDCND Triều Tiên và tổng quan các mối quan hệ trước khi viện trợ lương thực…

Theo các nhà quan sát , đây là một đòi hỏi khó của Hàn Quốc và không thể thành hiện thực được, vì lâu nay CHDCND Triều Tiên  luôn tuyên bố không thừa nhận mình là nguyên nhân gây ra vụ chìm tàu chiến Cheonan. Đã có các cuộc đối thoại cấp Đại tá giữa Bình Nhưỡng với đại diện LHQ nhưng đều cho kết quả số không. Bình Nhưỡng cũng đã lên tiếng cho hình thành đội điều tra liên hợp với Mỹ, hoặc cử các nhân viên điều tra tới Seoul để điều tra, nhưng cả Mỹ và Hàn Quốc đều bác bỏ. Mới đây, Seoul đã chính thức công bố bản báo điều tra hổn hợp vụ tàu chiến Cheonan và quy hoàn toàn trách nhiệm cho Bình Nhưỡng. Còn Nga cũng đã  cử các chuyên gia hàng đầu tới Hàn Quốc để điều tra nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết luận cuối cùng.

Rõ ràng, những yếu tố đan xen đó đã làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên rối rắm và chưa tìm được một hướng đi khả dĩ nào để khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân cũng như mối quan hệ liên Triều, vốn bị gián đoạn càng đi vào ngỏ cụt.

Trong một động thái có liên quan khác, sau nhiều đồn đoán có vẻ bí hiểm, ngày 20-9, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiền (KCNA) đưa tin Đảng Lao động Triều Tiên sẽ tiến hành Đại hội - mang tính lịch sử của đất nước này sau gần 30 năm mới Đại hội lại vào ngày 28-9, để bàn nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, và điểm then chốt được dư luận quốc tế quan tâm là  bầu ban lãnh đạo tối cao của đảng này. KCNA cho biết: "Hội nghị WPK (Đảng Lao động Triều Tiên) bầu ban lãnh đạo tối cao sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào ngày 28-9 tới". Động thái này, dư luận cho rằng Hội nghị WPK sẽ chọn người kế vị nhà lãnh đạo Kim Jong-il.             
 
Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.