.

Nga chưa mặn mà với lời mời gia nhập NATO

Cuộc chiến tranh 7 ngày giữa Nga với Georgia hồi tháng 8-2008, là đỉnh điểm làm cho quan hệ Nga-NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương)  trở nên băng giá. Tuy nhiên, có những vấn đề mà NATO quan tâm không thể không có tiếng nói của Nga, khi mà những lợi ích lại đan xen với nhau trên nhiều phương diện. Mỹ cũng có những động thái để khôi phục quan hệ với Nga, nhằm tạo ra bầu không khí hòa bình để Washington thúc đẩy các kế hoạch chiến lược của mình, cho dù rất bực tức Moscow.

Do vậy, chỉ sau một thời gian quan hệ bị băng giá, NATO cũng đã cùng Nga khôi phục từng bước các quan hệ. Có một vấn đề gây tranh cãi và bị Nga phản đối quyết liệt là việc Mỹ và NATO bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ ở khu vực châu Âu. Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau cuộc gặp với Ngoại trưởng 29 nước thành viên Hội đồng NATO-Nga ngày 22-9 tại New York ,Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết NATO mong muốn hợp tác với Nga trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền nhằm mục đích bảo vệ người dân của các quốc gia thành viên.
 
Ông Rasmussen đã mời 29 quốc gia thuộc Hội đồng NATO-Nga (bao gồm 28 quốc gia thành viên NATO và Nga) tham dự cuộc họp cấp cao sẽ diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) ngày 20-11 tới, nhằm thảo luận hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Hội nghị Lisbon sắp tới được cho là hội nghị cải cách NATO trên nhiều phương diện như đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo thông cáo mới đây của Văn phòng Báo chí Nhà Trắng, trong một cuộc gặp ở Phòng Bầu dục có sự tham gia của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ James Jones, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã thảo luận về các mục tiêu cho hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Lisbon từ ngày 19 đến 20-11 tới.
 
Hội nghị thượng đỉnh này dự kiến công bố một quan điểm chiến lược mới, theo đó “đẩy mạnh cam kết liên minh đầu tư cho các khả năng trong thế kỷ 21, đặc biệt là khả năng phòng thủ tên lửa, phòng vệ mạng và khả năng hợp tác dân sự-quân sự” của NATO. Tổng thống Obama và ông Rasmussen đã thảo luận các chiến lược đối với Afghanistan và Pakistan. Ông Obama bày tỏ trân trọng những đóng góp của các nước đồng minh NATO trong cuộc chiến do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan.

Do vậy NATO rất cần có sự tham gia của Nga. Tuy nhiên, theo ông Rasmussen lời mời đó hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời chắc chắn nào của phía Nga về việc tham dự cuộc họp này. Ông Rasmussen bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ “đưa một số năng lượng mới” vào quan hệ hợp tác NATO - Nga về Afghanistan  “khi khối này tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, hải tặc và phổ biến vũ khí”…

Một động thái còn đáng quan tâm hơn nữa là NATO đã đưa ra lời mời Nga gia nhập vào tổ chức này. Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, ông Ivo Daalder, tuyên bố Nga có thể gia nhập NATO song nước này phải xác định rõ liệu bước đi đó có đáp ứng lợi ích quốc gia của mình hay không. Ông Daalder khẳng định điều lệ của NATO ghi rõ rằng mỗi quốc gia châu Âu đều có quyền gia nhập NATO. Nga là nước châu Âu và có quyền trở thành thành viên NATO. Tuy nhiên, sự tham gia của Nga không phải là quyết định của NATO mà là sự lựa chọn của ban lãnh đạo Nga và là vấn đề tuân thủ các thủ tục thích ứng. Ông Daalder nhấn mạnh không thể nói đến việc Nga gia nhập NATO chừng nào chính quyền Moscow chưa tuyên bố về ý định này. Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO cũng đề cập tới việc từ lâu Moscow và NATO đã hợp tác hiệu quả theo một số phương hướng.

Thế nhưng, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Nikolai Makarov, mới đây cho rằng vấn đề nước này gia nhập NATO hiện còn quá sớm.

Phát biểu trên chương trình “Tuần Tin tức” của đài truyền hình, ông Makarov nói rằng đất nước, nhân dân và quân đội Nga chưa sẵn sàng gia nhập NATO. Ngoài ra, theo Tướng Nikolai Makarov, Moscow và NATO có những mục đích khác nhau.

Việc Nga không mặn mà đáp ứng lời mời  gia nhập của NATO cho thấy cán cân quân sự ở châu Âu tiếp tục có sự khác  biệt và Nga là đối trọng đáng quan tâm của NATO.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.