.

Sam Rainsy cố tìm đường về Campuchia

Sau hàng loạt các vụ việc như sử dụng bản đồ giả để vu cáo về vấn đề biên giới, lãnh thổ với Việt Nam, cùng hành động nhổ cọc mốc biên giới, ông  Sam Rainsy đồng thời là Chủ tịch đảng đối lập mang tên ông (SRP) ở Campuchia đã chạy ra nước ngoài để tránh bị tòa án nước này bắt giam. Hiện ông Sam Rainsy đã bị tòa án Campuchia truy tố hai tội  nói trên và đang chờ xử phiên phúc thẩm, có thể bị án tù nhiều năm và hết cơ hội để hoạt động chính trị.

Ông Sam Rainsy và các thành viên của SRP đã nhiều lần đề nghị Quốc Vương can thiệp để ông được hưởng ân xá, trở về nước lãnh đạo đảng nhưng bất thành. Mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khước từ đề nghị của SRP yêu cầu ông can thiệp để cho Chủ tịch đảng này, ông Sam Rainsy, đang sống lưu vong ở nước ngoài, được sớm trở về nước tham gia các hoạt động chính trị. Theo Thủ tướng Hun Sen, ông Sam Rainsy nên chấm dứt việc tìm cách trốn tránh việc thụ án tù của mình mà tòa án đã tuyên.

Thủ tướng Hun Sen đưa ra sự từ chối chính thức nói trên ngày 20-9, ba ngày sau khi Chủ tịch Thượng viện Chea Sim cũng có trả lời chính thức với SRP rằng ông không thể can thiệp trong vấn đề này vì hai ngành hành pháp và lập pháp của Campuchia là hoàn toàn độc lập với nhau. Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng chỉ trích SRP về việc cố lôi kéo sự can thiệp trong nước và quốc tế vào các vụ án đối với ông Sam Rainsy. Thủ tướng nói rằng "SRP không nên trông chờ sự giúp đỡ của ông để giải quyết vấn đề pháp lý cho Sam Rainsy nếu đảng này vẫn xem ông là người không có quyền lực và bù nhìn. Vì nếu là bù nhìn, ông đâu có cái quyền giải quyết vụ việc này".

Trước tình hình đó, ngày 21-9, người phát ngôn SRP, ông Yim Sovann, cho biết sau khi các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) từ chối can thiệp, Chủ tịch SRP Sam Rainsy đã có thư chung gửi nghị sĩ các nước, yêu cầu họ bày tỏ tình đoàn kết và lên tiếng yêu cầu chính phủ nước họ gây sức ép với Chính phủ Campuchia để ông có thể sớm trở về nước tiếp tục công việc của một nghị sĩ trong điều kiện có thể chấp nhận được và hoạt động thúc đẩy dân chủ ở Campuchia.

Theo ông Yim Sovann, nội dung bức thư nêu vắn tắt quá trình hoạt động chính trị của ông Sam Rainsy. Từ năm 1995, khi đứng ra thành lập đảng đến nay, ông đã bị nhiều lần mưu sát song không thành, đã ba lần bị tước quyền miễn trừ của nghị sĩ và đã hai lần bị lĩnh án tù, nhưng sau đó đều được ân xá. Ông cáo buộc CPP cầm quyền tìm mọi cách để chèn ép các chính đảng đối lập và tiếp tục sử dụng hệ thống tư pháp làm công cụ chính trị trấn áp lực lượng đối lập ở Campuchia. Ông đã khẳng định với các nghị sĩ quốc tế rằng hai tội danh mà Chính quyền Campuchia đã và đang xét xử ông đều bị chính trị hóa.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng hành động đó của ông Sam Rainsy và SRP khó có sự chấp nhận của  nghị sĩ các nước, vì những tội danh của ông đã bị cơ quan bảo vệ luật pháp nước này xét xử trên những chứng cứ không thể biện minh được và có những bản án theo luật định. Bởi việc ông Sam Rainsy sử dụng bản đồ giả để vu cáo chính phủ Hoàng gia trong vấn đề biên giới và lãnh thổ, cũng như hành động nhổ cột mốc biên giới, đã làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc gia, tác động xấu tới quan hệ với nước láng giềng là Việt Nam. Cho nên, việc ông Sam Rainsy cố công tìm đường để trở về nước trong lúc này là khó có thể thực hiện được, nếu ông không chấp nhận thi hành bản án mà tòa đã tuyên.

Nguyên Châu

;
.
.
.
.
.