.
Thế giới tuần qua:

Nỗi đau chưa nguôi

.

9 năm trôi qua kể từ vụ khủng bố 11-9-2001, nhưng ngày tưởng niệm này ở Mỹ suốt thời gian qua không năm nào giống năm nào. Vết thương cũ tái phát liên tục trong 9 năm mà phương thuốc chữa lành vết thương mang tên “Cuộc chiến chống khủng bố quốc tế” của Mỹ vẫn là một câu hỏi.

Mô tả ảnh.

Gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tập trung tại New York để cầu nguyện. Ảnh: NYT

Nước Mỹ tưởng niệm sự kiện đau thương 11-9 vào cuối tuần qua trong sự giằng xé bởi tranh cãi về dự án xây dựng một đền thờ Hồi giáo ngay gần hiện trường vụ tấn công đã phủ bóng các nghi thức tưởng niệm. Nước mắt vẫn rơi, lời nguyện cầu cho gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng vẫn vang lên, những cái tên người chết được đọc tại New York và nỗi đau dường như vẫn còn vẹn nguyên trong lòng người dân Mỹ. Còn Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên phát biểu trong không khí căng thẳng nhất ở New York.

Ông nói rằng, Mỹ không tiến hành chiến tranh với Hồi giáo vì “một tôn giáo không tấn công chúng ta, nước Mỹ bị tấn công bởi một nhóm người đáng buồn đã bóp méo tôn giáo”. Khu vực dự định xây dựng đền thờ Hồi giáo cách khu Ground Zero chỉ 2 dãy phố đã bị phong tỏa. Dự án được sự ủng hộ của Thị trưởng New York Michael Bloomberg và Tổng thống Obama nhưng lại vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Mỹ bởi họ cho rằng, đây là sự xúc phạm đến những người thiệt mạng trong vụ tấn công 11-9. Dự án quả thật đã khiến người Mỹ bị chia rẽ và nỗi đau vẫn chưa hề nguôi ngoai. Ground Zero là nơi tòa tháp đôi bị đổ sập trong vụ tấn công khủng bố 11-9. Thêm vào đó là việc mục sư Terry Jones đòi đốt Kinh Koran - vật thiêng liêng nhất đối với các tín đồ Hồi giáo, tuy kế hoạch này được hoãn nhưng làm cả nước Mỹ và dư luận thế giới chấn động.

Tổng thống Obama đã gửi thông điệp tha thứ, khoan dung tôn giáo và xóa bỏ những hận thù có thể gây hại cho nước Mỹ. Ông tái khẳng định việc bắt giữ hay tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vẫn là ưu tiên hàng đầu, đồng thời đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia. Có thể nói, cuộc tấn công ngày 11-9 đã làm thay đổi nước Mỹ và cục diện chính trị toàn thế giới. 9 năm qua, hết thời Tổng thống G.W.Bush đến Tổng thống Barack Obama đều vướng vào những hệ lụy của sự kiện 11-9, trong đó có những mâu thuẫn nảy sinh ngay trong lòng nước Mỹ.

Bãi lầy Afghanistan và Iraq khiến Washington chịu hết chỉ trích này đến chỉ trích khác. Theo các nhà quan sát, Chính phủ G.W.Bush và người kế nhiệm Barack Obama đã phải chao đảo vì cái cạm bẫy mà Osama bin Laden đặt ra. Afghanistan và Iraq bỗng nhiên trở thành cơn ác mộng với người Mỹ khi những con số binh sĩ thiệt mạng không ngừng gia tăng dẫu vào giai đoạn thời hậu chiến và tái thiết 2 quốc gia này. Không những thế, “chân rết” của Al-Qaeda lại có mặt khắp mọi nơi. 9 năm qua, những vụ đánh bom khủng bố vẫn liên tiếp diễn ra ở Afghanistan, Iraq, bất chấp sự hiện diện của quân đội Mỹ, và cả ở Pakistan hay các nước khác…

Cho đến thời điểm này, dù chưa thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố nhưng người đứng đầu Nhà Trắng không còn cách nào khác phải tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq để thực hiện cam kết lúc mới nhậm chức. Nền dân chủ, ổn định ở cả Iraq lẫn Afghanistan đều mong manh vì Chính phủ và lực lượng trong nước không thể tự đảm đương công việc của mình. Dù rút quân ở Iraq về nước, và thúc đẩy kết thúc nhiệm vụ ở chiến trường Afghanistan nhưng vết thương cũ 11-9 vẫn còn là nỗi ám ảnh với Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.