.

Tín hiệu tốt sau cuộc gặp Hun Sen - Abhisit

Phnom Penh – Bangkok đã bất hòa với nhau trong nhiều tháng qua xung quanh tranh chấp biên giới và liên quan tới cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin. Có lúc hai bên đã tăng quân tới khu vực tranh chấp  xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, tố cáo lẫn nhau can thiệp vào công việc nội bộ, rút Đại sứ về nước…
 
Thậm chí các vấn đề bất hòa đó có lúc hai bên đòi đưa ra giải quyết tại LHQ và ASEAN, nếu như không sớm tìm được tiếng nói chung. Song gần đây, cả Phnom Penh và Bangkok đã có những động thái mang tính hòa giải, như Campuchia thôi không để ông Thaksin làm cố vấn cho Thủ tướng Hun Sen, tuyên bố không cho phép những người biểu tình Áo đỏ làm nơi trú ẩn; còn Thái Lan, tuyên bố khôi phục viện trợ phát triển cho Campuchia, không tăng cường lực lượng áp sát biên giới, cử Đại sứ trở lại Phnom Penh…

Một dấu hiệu khác là Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã gặp người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại New York vào sáng 25-9 sau Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ để khôi phục quan hệ. Hai Thủ tướng của Thái Lan và Campuchia cho rằng các cơ chế hiện hành cần được hai bên áp dụng để tiến tới mục tiêu trên. Chúng bao gồm việc tăng cường các cuộc giao lưu tiếp xúc giữa nhân dân, báo giới, các nhóm học giả và dân sự của hai nước.
 
Để cải thiện bầu không khí xung quanh vấn đề liên quan đến các vụ tranh chấp quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, Thủ tướng Abhisit và Thủ tướng Hun Sen nhất trí không nên có sự di chuyển hay bố trí lực lượng ở dọc biên giới hai nước, đồng thời kiềm chế không để xảy ra xung đột biên giới. Hai nhà lãnh đạo còn nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin, duy trì các kênh thông tin mở và gặp gỡ thường xuyên tại những địa điểm diễn ra cuộc họp hay hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN.

Chính phủ Campuchia đánh giá cuộc gặp giữa Thủ tướng Campuchia Hun Sen và người đồng cấp Thái Lan Abhisit Vejjajiva bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ tại thành phố New York cuối tuần qua là thành công tốt đẹp. Quốc vụ khanh Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Prak Sokhon khẳng định cuộc gặp 40 phút giữa hai Thủ tướng đã làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau và hai bên đã thảo luận về những biện pháp chung nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa Campuchia và Thái Lan trên nhiều phương diện.
 
Ông Prak Sokhon cho biết, theo đề xuất của ông Hun Sen, hai Thủ tướng đã nhất trí về 4 điểm quan trọng liên quan tới quan hệ giữa hai nước gồm: Tránh để xảy ra các xung đột vũ trang trên biên giới chung; Thúc đẩy hợp tác và trao đổi các đoàn nghệ thuật, thể thao; Cùng nghiên cứu tính khả thi của việc mở cửa khẩu biên giới Stung Bot nhằm gia tăng trao đổi thương mại và nâng cấp cửa khẩu quốc tế Poipet; Gia tăng kiểm soát việc đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng mỗi nước nhằm tránh sự hiểu lầm giữa hai bên.

Theo Quốc vụ khanh Prak Sokhon, hai Thủ tướng cũng hứa sẽ găp lại nhau bên lề Hội nghị Á- Âu tới đây ở thủ đô Brussles (Bỉ) và Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội (Việt Nam) vào cuối năm 2010.

Trong khi đó,  ngày 27-9, Ngoại trưởng  Thái Lan Kasit Piromya nói rằng Bộ Ngoại giao Thái Lan đang soạn thảo kế hoạch khôi phục quan hệ với Campuchia, với sự hợp tác của nhiều ban, ngành và nhiều cấp, và sẽ sớm trình những đề xuất đó lên Nội các để thông qua. Ngoại trưởng Kasit Piromya nói ông sẽ bắt tay vào soạn thảo ngay sau khi từ New York (Mỹ) trở về Bangkok và sau đó sẽ chuyển lên Thủ tướng Abhisit Vejjajiva kế hoạch khôi phục quan hệ, trong đó bao gồm những hoạt động ở cả cấp trung ương và địa phương. Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ phối hợp với Quân khu II, Hải quân và tỉnh trưởng các tỉnh giáp giới với Campuchia để lên kế hoạch.
 
Các hoạt động về văn hóa, thể thao và trao đổi học giả giữa hai nước sẽ được tiến hành, trong lúc hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ về y tế cũng được triển khai cùng với việc cùng dọn phá mìn. Theo Ngoại trưởng Kasit Piromya, Thái Lan cũng “tìm kiếm sự hợp tác với giới chức Campuchia trong việc đăng ký (tên tuổi) số người Thái và người Campuchia sống dọc biên giới chung, để tránh nguy cơ bạo lực xảy ra nếu họ lạc đường hay vô tình đi vào lãnh thổ của nhau. Binh sĩ hai bên cũng có thể tiếp xúc với nhau và khi có vấn đề gì xảy ra thì họ cần thương lượng để tránh sử dụng vũ lực”.
 
Ngoài ra, cần mở thêm nhiều cửa khẩu biên giới để thúc đẩy thương mại, giao thông và du lịch. Những cửa khẩu đó sẽ được mở tại những khu vực không tranh chấp hoặc trong khu vực chưa dọn phá hết mìn. Ngoại trưởng Kasit Piromya tỏ ý tin rằng Bộ trưởng Thông tin Campuchia và báo giới xứ “Chùa Tháp” sẽ nhận lời mời của ông đến thăm Thái Lan để thảo luận về vấn đề tranh chấp, hoạt động sẽ giúp hai bên hiểu biết về nhau nhiều hơn.

Theo các nhà quan sát việc Thái Lan và Campuchia tiến tới việc khôi phục quan hệ ngoại giao là tín hiệu tốt lành không chỉ cho hai nước mà cả khu vực Đông Nam Á, tạo sự đoàn kết ngay trong khối ASEAN, để thúc đẩy mục tiêu  về một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác cùng  phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.