Đất hiếm là nguyên liệu thường được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, vô tuyến, máy nghe nhạc và ô-tô động cơ xăng-điện (hybrid)... Đằng sau chuyện đất hiếm là cả một vấn đề phức tạp, nhất là đối với các nước có nền công nghiệp sản xuất các công nghệ cao thì việc đảm bảo nguồn cung đất hiếm là vô cùng quan trọng. Hiện Trung Quốc là quốc gia sản xuất tới 97% đất hiếm trên thế giới, nguyên liệu thường được sử dụng trong chế tạo iPod, ô-tô điện, tên lửa và một loạt sản phẩm khác.
Tuy nhiên gần đây câu chuyện về đất hiếm lại nổi lên khi Bắc Kinh cấm và hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản, nước phải nhập 90% nhu cầu đất hiếm từ Trung Quốc, sau vụ va chạm tàu cá Trung Quốc với tàu hải quân Nhật Bản trên vùng đảo tranh chấp hồi đầu tháng 9 vừa qua. Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) Hiromasa Yonekura đã chuyển thư đề nghị khẩn cấp tới Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Ohata yêu cầu bảo đảm nguồn cung cấp tài nguyên. Bộ trưởng Ohata trả lời rằng “đã tỉnh ngộ (trước việc phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc) và sẽ cố gắng phân tán bớt rủi ro”.
Bộ trưởng METI Akihiro Ohata cho biết đã đề xuất kế hoạch cung cấp ổn định đất hiếm trong dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2010 với nỗ lực tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong buổi làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren), Bộ trưởng Ohata cho biết bộ này đang tính toán các biện pháp nhằm ổn định nguồn cung đất hiếm bằng cách hỗ trợ phát triển các nguyên liệu thay thế và mở rộng nhập khẩu với các nước giàu tài nguyên khác ngoài Trung Quốc. Đây được cho là biện pháp hữu hiệu nhằm phân tán rủi ro và tránh tác động tới an ninh năng lượng của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản ngày 1-10 đã thông qua chính sách tổng hợp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp đất hiếm ổn định. Trước đó, ngày 29-9, Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận đẩy nhanh khai thác với Kazahkstan. Đáng chú ý là Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và người đồng cấp Mông Cổ Sukhbaatar Batbold đã nhất trí thúc đẩy các dự án khai thác đất hiếm tại Mông Cổ .Thỏa thuận trên đạt được chỉ một ngày sau khi Nhật Bản công bố các chính sách đảm bảo nguồn cung đất hiếm, bao gồm phát triển các nguồn vật liệu thay thế và mở rộng hợp tác với các nước giàu tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra Nhật Bản còn đi tìm nguồn đất hiếm từ nhiều quốc gia khác nhằm đảm bảo nguồn cung cho ngành công nghiệp mũi nhọn.
Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 6-10 đưa tin, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Thương mại Trung Quốc - Châu Âu lần thứ 6 ở Brussels (Bỉ) , Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh là để khai thác “ổn định” loại khoán sản này đồng thời cam kết sẽ không áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu đất hiếm. Ông Ôn Gia Bảo đặt câu hỏi: “Nếu đất hiếm bị sử dụng cạn kiệt, thế giới và Trung quốc sẽ giải quyết vấn đề này như nào?” . Theo THX, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi đưa ra các quy định và kiểm soát phù hợp, song cũng nói Trung Quốc sẽ không đóng cửa hoàn toàn thị trường. Hiện Bắc Kinh đã giảm dần hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm để phục vụ cho công nghiệp trong nước, chính sách đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các quốc gia có nghành công nghiệp phụ thuộc vào loại khoáng sản này trong ứng dụng quân sự và công nghệ cao.
Cùng ngày, các nhóm doanh nghiệp Mỹ đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama gây sức ép để Bắc Kinh nới lỏng những hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Giám đốc cấp cao phụ trách Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ, ông Jeremie Waterman nói “chúng tôi hy vọng chính quyền Mỹ có thể đảm bảo các cam kết từ phía chính quyền Trung Quốc để dỡ bỏ thuế và hạn nghạch xuất khẩu đất hiếm và không can thiệp vào hoạt động buôn bán đất hiếm”. Ông Waterman nói như vậy trước một ủy ban các quan chức chính quyền Mỹ trong một phiên điều trần nhằm thu thập thông tin cho báo cáo thường niên về việc Trung Quốc tuân thủ các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một diễn biến liên quan đến quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc, phái đoàn Quốc hội Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ hội đàm với phái đoàn Nhật Bản dự kiến được tổ chức bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tại Geneva (Thụy Sĩ). Trước đó, cuộc hội đàm này đã được hai bên nhất trí và lên kế hoạch từ ngày 3-10 nhưng đến ngày 6-10 phái đoàn Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố hủy bỏ cuộc hội đàm trên.
Theo các nguồn thạo tin, đây là động thái trả đũa việc phái đoàn Nhật Bản hôm 5-10 đã lên tiếng chỉ trích việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm ảnh hưởng xấu tới các nước nhập khẩu nguyên liệu này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng Tokyo muốn ám chỉ việc Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong thời gian căng thẳng sau khi xảy ra vụ va chạm trên biển Hoa Đông hôm 7-9. Phái đoàn Trung Quốc cho rằng “mang các vấn đề của hai nước ra thảo luận tại IPU là việc làm không hợp lý”, đồng thời giải thích việc xuất khẩu đất hiếm hay khai thác tại các mỏ khí (ý ám chỉ các mỏ khí đốt trên biển Hoa Đông) là việc làm dựa trên các chính sách quốc gia của nước này?!
Như vậy, chuyện đất hiếm không chỉ đơn thuần là nguyên liệu, mà nó đã được coi như là một công cụ trong chính sách đối ngoại, nhằm tương tác với các vấn đề có liên quan khác.
Nguyên Châu