.

Đằng sau chặng dừng chân bổ sung của Ngoại trưởng Mỹ

Theo lịch trình Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo, bắt đầu trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ có chuyến  thăm tới Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Papua New Ghine, Australia và New Zeland. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley, Ngoại trưởng Hillary Clinton   cũng sẽ tới Hawaii, nơi bà sẽ thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản Seiji Maehara trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách làm giảm căng thẳng với Trung Quốc sau vụ đụng độ tàu cá và tàu hải quân trên vùng đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa quyết định thêm một chặng dừng chân tại Trung Quốc trong chuyến đi châu Á hai tuần của bà bắt đầu từ ngày 27-10. Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell cho biết bà Hillary Clinton sẽ có buổi thảo luận với ông Đới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 31-10 trên đảo Hải Nam. Nội dung thảo luận chính giữa bà Hillary Clinton và ông Đới Bỉnh Quốc là công tác chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G-20 diễn ra tại Seoul  (Hàn Quốc) vào tháng 11 tới, và bàn về chuyến đi Washington đầu năm 2011 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.  Ông Campbell cho biết, ban đầu bà Hillary Clinton  dự kiến gặp ông Đới  Bỉnh Quốc tại Hà Nội vào ngày 30-10, nhưng sau đó lại đổi địa điểm sang đảo Hải Nam vào ngày 31-10, để giữ phép lịch sự với Trung Quốc?! Theo ông, cả hai phía đều ý thức cần phải giữ mối “quan hệ xây dựng” trong bối cảnh hiện nay.

Trong khi đó,  tờ Finantial Times (Anh) số ra ngày 27-10 đưa tin Trung Quốc và Mỹ đã đạt được nền tảng cho một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào tháng tới để định ra các mục tiêu hạn chế những mất cân bằng thương mại toàn cầu. Báo trên dẫn lời ông Lý Đạo Quỳ, cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 tại Gyeongju, Hàn Quốc, cuối tuần qua đã có “tiến triển tốt đẹp” tiến tới một thỏa thuận và ông “rất khích lệ bởi cuộc họp này.
 
Nay hai Chính phủ (Mỹ và Trung Quốc) và các Chính phủ khác có thể có hiểu biết tốt”. Hội nghị ở Gyeongju đã ra tuyên bố nhất trí “kiềm chế phá giá cạnh tranh về tiền tệ” và vì “những hệ thống hối đoái được xác lập theo hướng thị trường hơn nữa”. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoon Jeung-Hyun cho rằng cam kết này đã làm dịu những lo ngại về một “cuộc chiến tiền tệ” giữa các nước bị thâm thủng thương mại như Mỹ và các cường quốc xuất khẩu như Trung Quốc. Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tomothy Geithner đã gợi ý các thành viên G-20 ấn định một hạn chế cụ thể về thặng dư hay thâm hụt tài khoản vãng lai của họ ở mức 4% GDP.

Sau hội nghị trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tới Trung Quốc thảo luận với Phó Thủ tướng nước này ông  Vương Kỳ Sơn tại Thanh Đảo về quan hệ kinh tế, và nhiều khả năng động chạm tới vấn đề gai góc là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mà Washington coi là đã bị đánh tụt giá trị.  Thông báo của Đại sứ quán Mỹ đưa ra sau cuộc thảo luận cho biết: “Hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Seoul “.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng quan hệ Washington - Bắc Kinh cũng còn khá nhiều vấn đề gai góc do nảy sinh tranh cãi về vấn đề  tiền tệ, thương mại và an ninh. Có tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều khả năng sẽ gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Seoul từ 11 đến 12-11. Nhà Trắng thông báo Tổng thống Barack Obama có thể nêu vấn đề  đất hiếm với Bắc Kinh tại hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới , sau khi Bắc Kinh gia tăng kiểm soát, hạn chế, thậm chí ngừng xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản, hai quốc gia tiêu thụ nhiều nhất.

Cho nên, chặng dừng chân bổ sung của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du châu Á lần này cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đang  tìm kiếm những thoả thuận  mang tính dung hòa trong bối cảnh tình hình ở khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.