Tình hình cuộc chiến tranh ở Afghanistan đang chuyển biến theo hướng khác nhằm tìm kiếm một nền hòa bình bền vững, đó là đối thoại với Taliban, lực lượng mà Mỹ lật đổ cách đây 9 năm. Kênh đối thoại này cũng gây ra nhiều tranh cãi ngay trong nội bộ chính quyền Kabul lẫn Mỹ và các đồng minh tham gia cuộc chiến. Tuy nhiên, có một thực tế, để thắng Taliban trên chiến trường xem ra là điều không thể, mà duy trì cuộc chiến đang là bài toán hóc búa của Mỹ và liên quân không thể hóa giải được, nên giải pháp đối thoại đã được chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama bật đèn xanh cho Kabul thực hiện.
Cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani, người hiện đứng đầu Hội đồng hòa bình mới của nước này, cho biết ông tin tưởng Taliban đã sẵn sàng đàm phán hòa bình sau 9 năm chiến tranh. Phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Kabul mới đây, ông Rabbani cho biết Taliban không hoàn toàn phản đối ý tưởng đàm phán về một giải pháp phi quân sự cho cuộc chiến hiện nay. Ông nói: “Họ có một số điều kiện để khởi động tiến trình đàm phán. Điều này đã tạo cho chúng ta hy vọng rằng họ muốn đàm phán và thương lượng”.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng tuyên bố Mỹ sẽ “làm tất cả” để ủng hộ nỗ lực hòa giải với một số phần tử Taliban của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, song cũng thừa nhận đây là một nỗ lực phức tạp và có thể không mang lại kết quả.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Philip Crowley thì nói rằng thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar không đáp ứng các tiêu chí để tiến hành hòa đàm với chính phủ Afghanistan cũng như đóng vai trò xây dựng trong tương lai của nước này. Theo ông Crowley, các thủ lĩnh và lính chân đất Taliban có thể tham gia vào tương lai của Afghanistan nếu họ từ bỏ bạo lực, cắt các mối quan hệ với Al-Qaeda và ủng hộ hiến pháp nước này. Ông Crowley khẳng định Mỹ vẫn cho rằng Omar phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 và đang hậu thuẫn Osama bin Laden.
Tư lệnh lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, Tướng David Petraeus, ngày 15-10 cho biết NATO đã tạo điều kiện an toàn để các thủ lĩnh Taliban đến Kabul đàm phán với chính phủ Afghanistan, động thái nằm trong chủ trương ủng hộ của NATO đối với nỗ lực hòa giải của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai với lực lượng này. Nói với báo giới tại London hôm 15-10, Tướng Petraeus nhấn mạnh nếu không được NATO cho phép thì sẽ không hề dễ dàng đối với một thủ lĩnh cao cấp Taliban khi họ muốn tới Kabul.
Tư lệnh NATO Petraeus còn nói thêm rằng một số thủ lĩnh “rất cao cấp” của Taliban đã tiếp xúc với Chính phủ Afghanistan và các nước tham gia sứ mệnh tại Afghanistan, nhưng các cuộc thảo luận này mới chỉ ở bước khởi đầu. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết liên minh này sẵn sàng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, song cũng bác bỏ việc ngừng các chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng nổi dậy ở Afghanistan.
Điều cũng được dư luận quan tâm là Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố nước này sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban vì hòa bình khu vực. Tại diễn đàn hội nghị viện trợ “Những người bạn của Pakistan Dân chủ” ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Qureshi nói rằng hòa giải về cơ bản là “sáng kiến của Afghanistan“. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ Afghanistan và Taliban phải tiến tới và đạt được mục tiêu hòa giải.
Chúng tôi ở đây để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc hòa đàm này. Pakistan cũng được hưởng lợi nếu Afghanistan hòa bình”. Pakistan là nước ủng hộ chính của chế độ Taliban cầm quyền tại Afghanistan trước khi liên quân do Mỹ cầm đầu phát động cuộc chiến lật đổ chế độ này sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Giới chức Afghanistan và phương Tây lâu nay vẫn nghi nghờ một số nhân vật trong chính quyền Pakistan, nhất là Cơ quan Tình báo Liên quân (ISI) đầy quyền lực, tiếp tục hậu thuẫn tàn quân Taliban. Tuy nhiên, Islamabad luôn bác bỏ cáo buộc này của Mỹ và phương Tây.
Như vậy, mở kênh đối thoại để tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan là tín hiệu tốt cho các bên có liên quan, nhưng đạt được một giải pháp hòa bình hay không lại là một thử thách lớn. Đôi khi tại bàn đàm phán sẽ quyết định, nhưng tiếng nói trên chiến trường cũng là nhân tố không kém phần quan trọng. Liệu cuộc chiến tranh ở Afghanistan sẽ kết thúc bằng giải pháp hòa bình giữa Taliban với chính quyền Kabul hiện nay?
Nguyên Châu