Mặc dầu là cường quốc về vũ khí hạt nhân, quốc gia đứng hàng thứ hai về xuất khẩu vũ khí trên thế giới, nhưng kể từ khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, việc tăng cường sức mạnh quân sự đối với Nga là cả một vấn đề, do nhiều yếu tố tác động, trong đó có sự khó khăn về kinh tế, cũng như về chiến lược quân sự có những thay đổi. Điểm đáng chú ý khác là công nghiệp quốc phòng của Nga cũng có những bước tụt hậu so với trình độ của Mỹ và một số nước phương Tây khác.
Chính vì vậy mà trong thời gian qua các nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra nhiều quyết định mạnh mẽ trong việc tăng mức tài chính cho quốc phòng và cải tiến nền công nghiệp quốc phòng, tăng trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại cho quân đội. Mục tiêu này của Nga không chỉ để tạo thế cân bằng với Mỹ và phương Tây, mà còn tạo ra sức mạnh để đối phó với những nguy cơ mới đang xuất hiện đe dọa tới những lợi ích an ninh của Moscow .
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdyukov ngày 5-10 nhấn mạnh việc phát triển các lực lượng ngăn chặn hạt nhân, lực lượng không quân, lực lượng vũ trụ, hệ thống phòng không và liên lạc là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình tái vũ trang của nước này. Hãng Interfax dẫn lời ông Serdyukov nói: “Ở Nga, chi phí cho tái vũ trang chưa được phân bổ trong thời gian dài. Ngân sách dành cho quân sự của chúng tôi là 50 tỷ USD, trong khi của Mỹ là 719 tỷ USD. Trong thời kỳ khủng hoảng, quá trình tái vũ trang đã bị ngừng hoàn toàn. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc đã dễ dàng hơn, do đó mới có quyết định tăng chi tiêu cho việc phát triển hiệu quả các lực lượng vũ trang”.
Một điểm đáng chú ý khác mà Bộ trưởng Serdyukov tiết lộ là quân đội Nga cũng sẽ mua vũ khí do nước ngoài sản xuất và có tính đến các đặc tính kỹ thuật. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tuần báo Newsweek của Mỹ, Bộ trưởng Serdyukov cho hay: “Các loại vũ khí của chúng tôi thường không đạt tiêu chuẩn cần thiết. Trong trường hợp này, chúng tôi ở vị thế khách hàng. Các nhà sản xuất trong nước muốn bán các loại vũ khí đã lỗi thời, song chúng tôi không muốn mua chúng”.
Trên thực tế cho thấy, Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai thế giới, đang đàm phán với Pháp để mua tàu chiến lớp Mistral của nước này - thương vụ mua thiết bị quân sự đầu tiên từ một thành viên NATO của Nga. Nga còn có các hợp đồng mua vũ khí của Israel. Bộ trưởng Serdyukov cũng cho biết nước này thậm chí còn quan tâm tới việc mua công nghệ của Mỹ - kẻ thù trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đồng thời là nhà sản xuất vũ khí số một thế giới hiện nay.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Nga sẽ khôi phục chương trình thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Bulava phóng từ tàu ngầm mà nhiều lần trước đó thử chưa thành công như mong muốn. Chỉ huy trưởng Hạm đội Hải quân Vladimir Vysotsky cho biết vụ phóng thử lần thứ 13 sắp tới dự kiến được bắn từ tàu ngầm nguyên tử Dmitri Donskoi trên Biển Baren.
Lần gần đây nhất Nga thử tên lửa Bulava là vào tháng 12-2009, song vụ thử đã thất bại do trục trặc ở tầng thứ 3 của tên lửa. Cho tới nay, Nga đã tiến hành thử tên lửa Bulava tổng cộng 12 lần nhưng chỉ có năm lần thành công. Bulava là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ba tầng sử dụng nhiên liệu rắn mới nhất của Nga. Một quả tên lửa loại này có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân và tấn công nhiều mục tiêu riêng rẽ cùng khả năng thay đổi đường bay và bắn trúng mục tiêu ở cự ly cách xa tới 8.000 km. Phát triển tên lửa Bulava là một trọng tâm trong chương trình hiện đại hóa kho vũ khí của Nga.
Nguyên Châu