.

Quan hệ chiến lược Mỹ- Pakistan vẫn “đồng sàn dị mộng"

Dưới thời chính quyền G.W.Bush, Washington đã coi Pakistan là đồng minh chiến lược. Sở dĩ như vậy, vì Pakistan có vai trò, vị trí quan trọng đối với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, củng cố chỗ đứng của Washington tại khu vực Nam Á.
 
Cho dù, Islamabad có khá nhiều vấn đề mà Nhà Trắng không thể an tâm, như chương trình hạt nhân, vấn đề nhân quyền, sự kiện nhà hạt nhân hàng đầu của nước này bán công nghệ cho các nước thù địch của Mỹ… Trong khi đó, đối với Pakistan, đa phần dân chúng có tư tưởng chống Mỹ rất quyết liệt; các chiến dịch tìm diệt những thủ lĩnh Al-Qaeda và Taliban trên vùng núi Pakistan nhưng lại nhằm vào thường dân càng gây cho chính phủ và dân chúng phản đối Mỹ tăng cao; chính phủ Pakistan  không thể kiểm soát hết các bộ tộc mà những thủ lĩnh của họ có những dị biệt với nhà nước trung ương, nhất là ở những vùng biên giới hiểm trở; các phần tử Hồi giáo cực đoan ở nước này là cái gai trong mắt Mỹ và các nước phương Tây, nhưng có một bộ phận lại được chính quyền Pakistan ủng hộ… Bởi vậy, đặt Pakistan vào vị trí đồng minh chiến lược với Mỹ cũng là ván bài mạo hiểm của Nhà Trắng, khi mà các lời cảnh báo từ dư luận và các nghị sĩ Mỹ không phải là ít.

Trong gần 10 năm qua, tuy hai bên coi nhau là đồng minh chiến lược, nhưng trên thực tế chưa hoàn toàn như vậy mà có khá nhiều những bất đồng xảy ra, chủ yếu là cuộc đấu tranh chống khủng bố, nhìn nhận vai trò của Taliban, các hoạt động bí hiểm gây tranh cãi của Cơ quan tình báo Pakistan (ISI), các cuộc xâm nhập của các nhóm dân quân trên lãnh thổ Pakistan nhằm chống phá nước láng giềng Ấn Độ,  mà vụ khủng bố ở Mumbai là điển hình làm cho Mỹ rất khó xử… Để tìm kiếm tiếng nói chung, giải tỏa các bất đồng, ngày 20-10, giới chức cao cấp của Mỹ và  Pakistan đã bắt đầu cuộc đối thoại chiến lược song phương lần thứ ba trong năm nay tại thủ đô  Washington.
 
Các vấn đề như an ninh, kinh tế, nông nghiệp cùng các chủ đề khác sẽ được hai bên đưa ra thảo luận. Phó đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan và  Pakistan, ông Frank Ruggiero, cho biết các cuộc hội đàm kéo dài ba ngày này được tiến hành với vai trò như “một nơi gặp mặt” nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai bên. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng người đồng cấp Pakistan Shah Mehmood Qureshi dẫn đầu phái đoàn mỗi bên. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng Quân đội hai nước cũng tham gia hội nghị, dự kiến kết thúc bằng phiên họp toàn thể vào ngày hôm nay 22-10.

Việc tái khởi động cuộc đối thoại này tiếp sau một giai đoạn căng thẳng liên quan tới vụ máy bay trực thăng của NATO bắn nhầm làm thiệt mạng hai binh sĩ Pakistan dọc theo biên giới Afghanistan -  Pakistan hồi tháng trước. Sự kiện này làm nổi bật các nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm “ve vãn”  Pakistan, nhân tố chủ chốt đối với cuộc chiến chống lực lượng ở Afghanistan.

Cùng ngày, Nhà Trắng  thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không thăm  Pakistan trong chuyến công du châu Á vào tháng sau nhưng ông cam kết sẽ thăm quốc gia Nam Á này vào năm 2011 và đón chào Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tới thăm Mỹ. Trước đó, Nhà Trắng cho biết tháng 11 tới Tổng thống Obama sẽ thăm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cũng viết rằng ngày 20-10, trong cuộc họp hằng tháng về tình hình tại Afghanistan và Pakistan, Tổng thống Obama và nhóm an ninh quốc gia đã thảo luận về mối quan hệ của Mỹ với Pakistan.
 
Những vấn đề về hợp tác an ninh, sự cần thiết phải tăng cường sức ép đối với các phần tử cực đoan và hỗ trợ người dân  Pakistan và các thể chế dân chủ ở nước này cũng đã được đưa ra thảo luận. Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, chiều ngày 20-10, Tổng thống Obama đã tiếp đoàn đại biểu Pakistan dự cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ- Pakistan, một hoạt động mà ông Obama mô tả là rất quan trọng để đưa quan hệ giữa hai nước tiến tới mối quan hệ đối tác thực sự trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Tổng thống Obama và đoàn Pakistan đạt được sự nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường ổn định tại khu vực, đặc biệt trong việc hợp tác để đạt được hòa bình và ổn định tại Afghanistan.

Những động thái đó cho thấy hai bên cũng đang cố dựa vào nhau, nhưng có thể nói lực bất đồng tâm, vì cả Mỹ và Pakistan đều có những lợi ích riêng biệt khó dung hòa. Đáng chú là Pakistan còn phải đối diện với những vấn đề trong nước khá gay go, không thể cùng đồng hành với Mỹ là giải quyết mọi việc, mà đôi khi xôi hỏng bỏng không.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.