Cuối cùng, Anh cũng theo gương các quốc gia khác ở châu Âu thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” với chi tiêu công được cắt giảm vào năm 2015 là 130 tỷ USD.
Với món nợ công khổng lồ 154,7 tỷ bảng Anh thì việc cắt giảm ngân sách là điều sớm muộn mà Chính phủ của Thủ tướng David Cameron phải làm. Anh là một trong những nước phát triển có nợ công cao nhất, chiếm đến 11,5% tổng sản phẩm quốc nội, so với 10,7% ở Mỹ và 5,4% ở Đức. Trong khi đó, liên minh Bảo thủ - Dân chủ Tự do mới lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa qua phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, phần lớn là di sản của người tiền nhiệm Gordon Brown để lại.
Trái với mong muốn của người dân và không như cam kết của Chính phủ trước đó rằng, các nhà chức trách sẽ nỗ lực để cứu hàng trăm nghìn việc làm có nguy cơ bị mất, kế hoạch cải tổ lại cắt giảm 490.000 việc làm trong tổng số 6 triệu việc làm ở khu vực công. Hiện chưa rõ 490.000 việc làm “đội nón ra đi” có tạo ra thất nghiệp hàng loạt hay không, bởi Bộ trưởng Tài chính George Osborne khẳng định các công ty tư nhân sẽ tuyển dụng nhiều hơn. Riêng việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 66 bắt đầu sớm hơn 4 năm so với dự kiến (kế hoạch ban đầu là năm 2020) và sẽ tiết kiệm được 5 tỷ bảng Anh/năm. Đồng thời, việc cắt trợ cấp xã hội hoặc trợ cấp thất nghiệp cũng giảm gánh nặng cho tài chính công.
Ông Osborne gọi những thay đổi trên đánh dấu “ngày nước Anh trở lại từ bờ vực”. Tuy nhiên, phe đối lập, các nghiệp đoàn và một số nhà kinh tế cho rằng, việc cắt giảm ngân sách là một canh bạc có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới vào suy thoái. “Canh bạc vô trách nhiệm” - chỉ trích gay gắt của lãnh đạo Công đảng Ed Miliband nhằm vào ông Osborne đang đặt Chính phủ Bảo thủ - Dân chủ Tự do vào tình thế khó khăn. Bởi lẽ, Hy Lạp và Pháp - các nước đã và đang trải qua những ngày tháng hỗn loạn vì biểu tình - là những tấm gương điển hình nhất khi đối phó với hệ lụy từ chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
VĨNH AN