.

Thủ tướng Netanyahu dưới nhiều sức ép về đàm phán hòa bình

Việc Palestine và Israel quay trở lại bàn đàm phán trực tiếp do Mỹ và Bộ tứ làm trung gian hôm 2-9, sau gần 20 tháng gián đoạn, là một cố gắng lớn từ các bên có liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tuy nhiên, trở lại bàn đàm phán vừa qua cũng chỉ là bước đầu. Vấn đề cốt lõi là nội dung sẽ đạt được những gì và có duy trì được hay không. Vì suốt mấy chục năm qua cả hai bên đã không ít lần mở ra tia hy vọng hòa bình thì sau đó lại bị dập tắt ngay lập tức do không ít vật cản hiện lên.

Lần đàm phán hòa bình này cũng vậy, khi cả hai có các cuộc gặp nhau tại Mỹ, Ai Cập và cả Jerusalam, nhưng rồi câu chuyện “việc xây dưng khu định cư Do Thái” trên vùng đất của người Arab bị hết hạn mà Tel Aviv không gia hạn cấm tiếp, đã làm cho phía Palestine bất bình. Ngày 2-10, Thủ tướng Israel Netanyahu kêu gọi Tổng thống  Palestine Mahmoud Abbas không ngừng các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời khẳng định bàn đàm phán là địa điểm lý tưởng để giải quyết xung đột và những bất đồng giữa hai bên. Nhưng Trưởng đoàn đàm phán  Palestine Saeb Erakat ngày 3-10 đã bác bỏ lời kêu gọi  Palestine hãy tiếp tục cuộc hòa đàm trực tiếp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
 
Ông Erakat tuyên bố: “Chúng tôi không thể nối lại đàm phán trong khi Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây”, đồng thời cho rằng, việc ngừng xây dựng các khu định cư là giải pháp duy nhất cho sự thành công của đàm phán. Ông Erakat nhấn mạnh: “Chìa khóa để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình đang nằm trong tay Thủ tướng Netanyahu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán nếu ông ta quyết định ngừng các hoạt động nêu trên”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Aboul Gheit tuyên bố Cairo ủng hộ quan điểm của  Palestine trong việc từ chối đàm phán với Israel chừng nào Tel Aviv vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, đồng thời nhấn mạnh các điều kiện hiện tại không thích hợp để tiếp tục cuộc hòa đàm.

Đây quả là bài toán khá gay go cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các do ông đứng đầu. Bởi ông Netanyahu không những bị áp lực từ phía Palestine mà còn bị áp lực khác đến từ Washington, đồng minh thân cận của Tel Aviv. Tổng thống Mỹ Obama muốn thúc đẩy tiến trình này như là sản phẩm cho cuộc vận động bầu cử sắp tới đây, là kết quả lời hứa với cộng đồng người Hồi giáo sau khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ. Do vậy, ông Obama không chỉ cử Đặc phái viên con thoi cho vấn đề hòa bình Trung Đông, mà còn mời các nhà lãnh đạo Palestine và Israel tới Mỹ để thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Mặt khác, áp lực từ phái diều hâu trong nước cũng rất lớn. Lực lượng này bất chấp mọi nỗ lực cho tiến trình hòa bình với người Palestine. Họ không coi việc hình thành hai nước Palestine và Do Thái độc lập cùng chung sống hòa bình như là một giải pháp cuối cùng được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Do vậy, họ gia tăng áp lực với chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu để tiếp tục xây dựng các khu định cự Do Thái trên vùng đất của người Arab bị họ chiếm đóng và tìm mọi cách chống lại  quá trình hình thành một nhà nước Palestine độc lập.

Những áp lực đó ngày một gia tăng và chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang rơi vào thế bị động, lúng túng. Bởi uy tín của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không đủ lực để có tiếng nói quyết định trong đảng cũng như trong nội các. Ngay cả trong nội các cũng có những ý kiến khác nhau về cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine.

Do vậy, các nhà quan sát và cả người Palestine cũng từng nói rằng, tia hy vọng cho hòa bình Trung Đông rất yếu ớt, thậm chí cũng chỉ là “chiếc bánh vẽ”, như nó đã từng hiện lên trong mấy chục năm qua từ  các cuộc đàm phán ở Oslo, Washington, Ai Cập… mà thôi.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.