.

Trung Quốc đang giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân?

Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran vẫn chưa có một lối thoát căn bản. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 17-10 trong bài phát biểu tại Ardebil, phía Tây Bắc Iran được phát trên truyền hình, đã tuyên bố: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran là hãy thảo luận với Iran. Các ngài không có sự lựa chọn nào khác.
 
Tất cả những giải pháp khác đều dẫn đến bế tắc”. Đồng thời, ông Ahmadinejad tái khẳng định các cuộc đàm phán này phải dựa trên sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không sẽ thất bại. Trong phản ứng đầu tiên sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo nối lại đàm phán vào giữa tháng 11 tới giữa Iran và nhóm P5+1, ông Ahmadinejad cũng khẳng định Iran sẽ không nhượng bộ về quyền của mình và sẽ duy trì các vấn đề của mình với các cường quốc.
 
Ông Ahmadinejad mạnh mẽ tuyên bố: “Các ngài có sẵn sàng tôn trọng những quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hay không? Các ngài đang tìm kiếm hợp tác hay đó là một sự bịp bợm? Và các ngài có nghĩ đến bom nguyên tử của Israel không?”. Ông Ahmadinejad nhấn mạnh câu trả lời cho các vấn đề này sẽ quyết định cho các cuộc đàm phán. Tổng thống Iran cũng tái khẳng định các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến quyết tâm tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, thông tin trên tờ Washington Post càng làm cho vấn đề trở nên rối rắm hơn. Theo Washington Post  số ra ngày 17-10 đưa tin Mỹ cho rằng, một số công ty Trung Quốc đang giúp Iran cải tiến công nghệ tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngăn chặn những hoạt động như vậy.

Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng, Washington đã đưa ra đề nghị trên trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng trước của một phái đoàn Mỹ do Cố vấn đặc biệt Bộ Ngoại giao về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Robert Einhorn, dẫn đầu. Ông Einhorn đã chuyển cho những người đồng cấp Trung Quốc một “danh sách quan trọng” các công ty và ngân hàng mà Washington nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Tehran.
 
Giới tình báo Mỹ tin rằng một số công ty Trung Quốc đã cung cấp công nghệ và nguyên liệu cấm cho các chương trình quân sự của Iran, trong khi một vài ngân hàng Trung Quốc hậu thuẫn cho những thỏa thuận đó. Theo bài báo, hầu hết các thỏa thuận đều liên quan tới chương trình tên lửa của Iran. Một quan chức cấp cao của một cơ quan tình báo phương Tây nói rằng, các công ty Trung Quốc cũng bị phát hiện bán sợi các-bon chất lượng cao nhằm giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này chế tạo các máy ly tâm chất lượng tốt hơn để làm giàu uranium. Bài báo nêu rõ đầu năm nay, một công ty nhỏ tại thành phố cảng Đại Liên (Trung Quốc) đã cung cấp cho Iran một loạt nhiên liệu nhạy cảm, như than chì, ống vonfam, bột vonfam, các hợp kim nhôm độ bền cao và thép không gỉ, nhằm phục vụ chương trình hạt nhân của Iran. Công ty này bị nghi ngờ đã nhận tiền trái phép của Iran thông qua các ngân hàng ở Mỹ.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Vương Bảo Đông cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ điều tra vụ việc này.

Một diễn biến khác, mới đây khi Nga chính thức chấm dứt hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không tiên tiến S-300 và thực hiện việc bồi thường khoản 800 triệu USD cho Iran theo nghị quyết cấm vận của LHQ, thì có tin Trung Quốc nhảy vào thay thế Nga. Báo Lao Động của Nga số ra ngày 6-10 đưa tin Trung Quốc đã thay Moscow cung cấp tên lửa S-300 cho Iran. Theo báo trên, sau khi từ chối cung cấp tên lửa S-300 cho Tehran, Nga đã để mất thị trường Iran và Bắc Kinh “thế chỗ” bằng cách chào hàng loại tên lửa phòng không tương tự tên lửa S-300 của Nga. Báo này đánh giá, Nga không chỉ mất đi 13 tỷ USD do từ chối bán vũ khí cho Iran, mà sẽ mất khả năng giành gói thầu xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử có tổng kinh phí 6 tỷ USD ở nước này.

Việc Washington Post đưa ra những tin tức từ các quan chức hàng đầu của Mỹ cáo buộc các công ty của Trung Quốc đang giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như thay thế Nga cung cấp tên lửa tiên tiến tương đương S-300, cho thấy giữa Bắc Kinh với Tehran có những thỏa thuận ngầm trong quan hệ, đang thật sự gây khó chịu cho Nhà Trắng. Theo các nhà quan sát, Trung Quốc đang thực hiện chính sách “hai mặt” khi không muốn bị cộng đồng quốc tế phê phán nếu không thông qua Nghị quyết trừng phạt Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi, nhưng mặt khác không để cho các quyền lợi của mình tại quốc gia giàu dầu mỏ này bị đánh mất, nên có những bước đi như vậy. Cho nên, trong quan hệ Mỹ-Trung vốn đầy rẫy những rắc rối lại càng có cơ hội tăng cao khi Washington đang tập trung giải quyết vấn đề hạt nhân Iran lại có giá đỡ của Bắc Kinh.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.