.

Vị thế Iran trong hai cuộc chiến tranh của Mỹ

Có  một vấn đề cũng khá hóc búa mà lâu nay chính quyền Mỹ không phải không nghĩ tới đó là vai trò, vị trí của Iran như thế nào trong hai cuộc chiến tranh mà Washington đã và đang tiến hành trong những năm đầu của thế kỷ XXI tại Iraq và Afghanistan. Cho nên, giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran là cái gốc sâu xa tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng còn trên bình diện hiện thực thì giá trị tiếng nói của Iran như thế nào đối với hai cuộc chiến mà Mỹ đang lâm trận là câu hỏi lớn mà Washington phải hóa giải.

Bởi trên thực tế cho thấy vị trí địa lý của Iran là đều có vùng biên giới tiếp giáp với cả Iraq và Afghanistan. Ảnh hưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo này với một bộ phận cư dân, đặc biệt là các bộ tộc của hai quốc gia này không phải là nhỏ, cả những người theo đạo Hồi của dòng Shi’ite và dòng Sunni. Ngay tại Iraq lâu nay Mỹ cũng đối mặt với lực lượng thân Iran cả trên chiến trường và trên bàn thương lượng hòa bình. Thậm chí có tin Iran đã hỗ trợ tài chính và vũ khí cho lực lượng chống Mỹ trên cả hai chiến trường Iraq và Afghanistan.

Do vậy, để chấm dứt chiến tranh, tìm kiếm một nền hòa bình vững chắc cho hai quốc gia này, Mỹ và chính quyền Kabul lẫn Baghdad không thể loại bỏ nhân tố Iran. Nhất là trong bối cảnh Washington đang tìm cách cô lập Tehran về chính trị, kinh tế, quân sự... để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, thì việc có mặt nước này tại các cuộc đàm phán hòa bình là điều rất khó khăn đối với Mỹ.

Tuy nhiên, mới đây, tại cuộc gặp các đặc phái viên về Afghanistan và Pakistan tại Roma, Phái viên Tổng thống Mỹ Richard Holbrooke đã phải nói rằng trong vấn đề ổn định tình hình ở Afghanistan, Iran có quyền đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, và Mỹ không thấy bất cứ trở ngại nào trong sự hiện diện của đại diện Tehran tại các cuộc đàm phán này. Trong khi đó, Phái viên đặc biệt của Bộ Ngoại giao Italia về Afghanistan và Pakistan là Attilio Massimo Iannuchi lưu ý rằng “việc loại trừ Iran khỏi tiến trình giải quyết vấn đề Afghanistan sẽ là một sai lầm lớn”.

Trước đó, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã hối thúc Tehran giúp tái thiết nước ông trong chuyến thăm một ngày đến Iran, diễn ra trong bối cảnh đối thủ của ông Maliki cáo buộc Iran can thiệp vào các vấn đề của Iraq. Báo chí Iraq cho biết, Thủ tướng Nuri al-Maliki đã tiến hành một loạt cuộc gặp ở Tehran với các quan chức chóp bu của nước chủ nhà, kể cả thủ lĩnh tối cao Ali Khamenei. Tuyên bố được Văn phòng Thủ tướng Iraq đưa ra tại Baghdad dẫn lời ông Maliki nói trong cuộc gặp với Đại giáo chủ Khamenei: “Chúng tôi yêu cầu Iran và các nước láng giềng hỗ trợ công cuộc tái thiết của chúng tôi cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại góp phần tăng cường sự ổn định trong khu vực của chúng ta. Mối quan hệ chiến lược giữa Iraq và Iran phải tiếp tục và quan hệ hợp tác giữa các nước Arập và Hồi giáo sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho người dân”.

Về phần mình, Đại giáo chủ Khamenei đã đổ lỗi cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq gây ra các vấn đề của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Đại giáo chủ Khamenei cũng nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Chính phủ ở Baghdad và khôi phục sự ổn định ở Iraq.

Rõ ràng nhân tố Iran để giải quyết hai cuộc chiến tranh mà Mỹ theo đuổi này là điều không thể thiếu. Tehran đã thấy được điều đó. Mỹ cũng vậy. Nhưng, giải quyết đến đâu, xem ra con bài lại nằm trong tay Iran chứ không phải Mỹ. Đó mới là nghịch lý đắng cay cho Mỹ, khi mà Washington đang tập trung mọi nỗ lực để làm kiệt quệ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.