Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang đe dọa khả năng chiến tranh chủ yếu giữa hai người láng giềng. Bất kỳ bước đi nào thiếu thận trọng trong lúc này cũng sẽ dẫn đến những diễn biến xấu, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.
Năm ngoái, khi CHDCND Triều Tiên thử tên lửa, Trung Quốc đã chỉ trích và thúc giục Bình Nhưỡng nối lại các hoạt động ngoại giao. Sau khi tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đắm vào tháng 3 vừa qua và quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên bị cho là thủ phạm, Bắc Kinh cũng chia sẻ sự việc nhưng không lên án Bình Nhưỡng và gọi những bằng chứng đưa ra không thuyết phục. Với căng thẳng mới hiện tại, Trung Quốc - đồng minh thân thiết của CHDCND Triều Tiên - một lần nữa được mong đợi sẽ kiềm chế được người láng giềng của mình.
Trung Quốc đang quan ngại cuộc tập trận sắp tới giữa Mỹ - Hàn. Tháng 8-2010, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhấn mạnh rằng, kế hoạch cử tàu sân bay USS George Washington đến Hoàng Hải sẽ đe dọa mối quan hệ lâu dài Trung - Mỹ. Bắc Kinh cũng chưa có động thái gì cho thấy họ sẵn sàng kiềm chế Bình Nhưỡng. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc khôi phục đàm phán 6 bên là cấp thiết.
Sự đối đầu giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không phải diễn ra lần đầu. Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, vẫn có những va chạm. Song, những căng thẳng mới đang đặt cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul vào thế phòng bị mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ leo thang. Phân tích nguyên nhân của vụ nã pháo, hãng Reuters cho rằng, có thể là chuyện hiểu lầm, hoặc có thể là ý đồ gây hấn từ một trong hai phía, hoặc là nỗ lực của Bình Nhưỡng để củng cố sự ủng hộ với chính quyền trong nước, nhất là trong thời gian chuẩn bị tiến trình kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Dẫu sao, những bước đi thận trọng trong lúc này là cần thiết để tháo gỡ khủng hoảng, thay đối đầu bằng đối thoại. Tuy nhiên, sẽ đòi hỏi thiện chí từ tất cả các bên với mục tiêu cao nhất là hòa bình và ổn định cho khu vực Đông Bắc Á.
VĨNH AN