.

Căng thẳng phủ bóng G20 và APEC

Hai hội nghị lớn sẽ diễn ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản: Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 11 và 12-11, hội nghị cấp cao APEC vào ngày 13 và 14-11. Song, căng thẳng chính trị có thể hủy hoại những nỗ lực đạt được sự thống nhất và phục hồi kinh tế toàn cầu.

Hàn Quốc - nước chủ trì hội nghị nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi - chưa tháo gỡ căng thẳng với CHDCND Triều Tiên sau vụ đắm tàu chiến Cheonan. Trong khi đó, Nhật Bản - chủ nhà của hội nghị APEC - đang tranh chấp với Trung Quốc và Nga về chủ quyền các đảo. Và trong chương trình nghị sự chính thức, giữa Trung Quốc với Mỹ cũng đang gia tăng căng thẳng về chính trị - kinh tế xung quanh chính sách tiền tệ.

Chủ tịch Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu (Mỹ) và đồng Chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Charles Morrison cho rằng, các vấn đề trên sẽ phủ bóng xuống 2 hội nghị và gia tăng hoài nghi về thành công của những sự kiện này. Với nỗ lực phục hồi nền kinh tế mong manh của toàn cầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cùng các nhà lãnh đạo khác sẽ tìm kiếm việc giảm thiểu xung đột tại 2 lần nhóm họp ở Hàn Quốc và Nhật Bản sắp tới.

Ưu tiên hàng đầu của nghị sự là giảm bất ổn thương mại và thâm hụt ngân sách. G20, nhóm chiếm 85% kinh tế toàn cầu, cũng sẽ đề xuất cải cách tài chính, như đề ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, giám sát các ngân hàng lớn cũng như các tổ chức khác. Theo các quan chức Mỹ, vấn đề tiền tệ - nhất là tỷ giá của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD - đang thu hút quan tâm nhưng dự kiến không được giải quyết tại Seoul.

Riêng thách thức của Nhật Bản lúc này là hàn gắn với 2 người láng giềng lớn: Trung Quốc và Nga. Quan hệ với Bắc Kinh bị phủ bóng bởi căng thẳng sau vụ va chạm tàu cá. Thủ tướng Naoto Kan cũng đau đầu khi ông Dimitry Medvedev là Tổng thống Nga đầu tiên đến thăm quần đảo tranh chấp Nam Kuril. Đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch về các cuộc gặp chính thức với các nhà lãnh đạo Nga hoặc Trung Quốc tại APEC.   

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.