.

Đằng sau đề xuất chia châu Âu ra để bảo vệ của Nga

Việc Nga chấp thuận cùng với NATO tham gia chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo là bước ngoặt trong quan hệ Nga - NATO, đồng thời giúp cho khối này khai thông các vướng mắc lâu nay trong nội bộ. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tỏ ra rất hài lòng với thỏa thuận mới đạt được, cũng như trước thực tế rằng hệ thống này sẽ đưa các kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh xích lại gần nhau hơn.
 
Ông Rasmussen nhấn mạnh: “Đây là sự khởi đầu mới trong quan hệ NATO - Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước NATO và Nga sẽ hợp tác để bảo vệ nhau”.  Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - NATO vừa diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) cuối tuần qua,  Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đề xuất ý kiến với các nhà lãnh đạo NATO rằng nên chia châu Âu ra thành các khu vực chịu trách nhiệm quân sự để bảo vệ tốt hơn cho lục địa này trước các nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa. Mặc dù Tổng thống Medvedev đã không đi sâu vào chi tiết của kế hoạch này; nhưng, các báo của Nga dẫn lời các quan chức nước này cho rằng có thể Nga sẽ nhận trách nhiệm (bảo vệ) một khu vực và NATO chịu trách nhiệm khu vực khác.
 
Tờ “Thương gia” (Nga) dẫn các nguồn tin riêng cho rằng kế hoạch này, được đề xuất tại các cuộc thảo luận kín, sẽ giúp NATO và Nga tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa chung mà không cần kết hợp các hệ thống tên lửa của nhau. Báo trên dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên cho biết “sáng kiến của ông Medvedev có thể được hiểu ngắn gọn như sau: Moscow  sẵn sàng bắn hạ mọi vật thể hướng tới châu Âu thông qua lãnh thổ của chúng tôi hoặc khu vực do chúng tôi chịu trách nhiệm (bảo vệ). Điều đó có nghĩa là bảo vệ các nước nằm ở phía Tây của Nga. Tương tự, NATO cũng nên tự gánh vác các trách nhiệm tương đương tại một hoặc nhiều khu vực của họ: Nếu kẻ nào đó quyết định tấn công chúng tôi thông qua châu Âu - mọi vật thể bay sẽ bị người Mỹ hoặc các thành viên NATO bắn hạ”.

Lý giải về đề xuất này của Nga, các nhà quan sát cho rằng đây là hướng đi khôn ngoan của Moscow, vì nó có thể dung hòa được những băn khoăn, lo ngại của các nhà quân sự của Nga lẫn NATO. Bởi, cách làm đó sẽ tạo cho hai bên tự tăng cường tiềm lực phòng thủ bằng những công nghệ mới tiên tiến mà không bị giám sát hay bị lộ bí mật. Riêng đối  với NATO,  một khi hình thành theo khu vực được chia, hệ thống này  sẽ liên kết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành của châu Âu với các trạm rada và tên lửa đánh chặn mà Mỹ có kế hoạch triển khai tại Địa Trung Hải, Romania và có thể cả tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này sẽ đóng vai trò chiếc ô an ninh bảo vệ cho châu Âu từ năm 2020, khi nó được trang bị để đủ khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mặt  khác khi triển khai các cơ sở phòng  thủ cũng dễ dàng hơn vì nó nằm trong khu vực do mỗi bên phụ trách.

Việc Nga quyết định tham gia “cuộc chơi” phòng thủ tên lửa đạn đạo gây tranh cãi lâu nay đã tạo ra một hình thái mới trong quan hệ Nga-NATO và có thể sẽ là bước tạo đà cho những hợp tác quân sự mới giữa hai bên, nhất là khi Mỹ và NATO rút quân khỏi chiến trường Afghanistan sắp tới đây.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.