.

Mỹ muốn làm trung gian hòa giải Nhật - Trung

Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi mà dự kiến cuộc gặp cấp cao giữa hai Thủ tướng Naoto Kan và Ôn Gia Bảo tại Hà Nội bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN với các đối tác hôm 30-10, đã bị hủy bỏ vào phút cuối.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho hay ông tin Nhật Bản và Trung Quốc có thể duy trì quan hệ để hợp tác vì sự ổn định sau khi căng thẳng song phương bùng phát do tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Theo Thủ tướng Kan, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á có ý nghĩa quan trọng đối với châu lục này nói riêng và ổn định thế giới nói chung. Ông cũng nhấn mạnh rằng bất chấp quan hệ hai nước dường như xấu đi, song không có thay đổi trong lập trường của Tokyo là nỗ lực thúc đẩy quan hệ chiến lược và có lợi với Trung Quốc. Thủ tướng Kan cũng bày tỏ hy vọng sẽ gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Nhật Bản khi ông chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Yokohama ra từ 13 đến 14-11 tới.

Lên tiếng sau sự kiện này, ngày 30-10 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Washington đã đề xuất chủ trì một cuộc gặp ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo liên quan tới vấn đề tranh chấp về lãnh thổ. Trước đó, một quan chức Mỹ nói với Trung Quốc rằng Washington muốn căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật “hạ nhiệt” và đề nghị tiến hành cuộc gặp ba bên để góp phần xây dựng lại niềm tin. Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hillary và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, quan chức trên nêu rõ: “Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng với hai nước này rằng Washington muốn quan hệ Trung - Nhật trở lại bình thường... Mỹ sẵn lòng đóng vai trò trong toàn bộ nỗ lực này”. Còn ông Dương Khiết Trì đã kêu gọi Mỹ tránh đưa ra “những bình luận vô trách nhiệm” khi thảo luận về chuỗi đảo tranh chấp Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và  Tokyo bị rạn nứt.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thăm chớp nhoáng Trung Quốc. Bà Hillary đã gặp Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc, nhà hoạch định chính sách ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Các quan chức Mỹ cho biết ông Đới Bỉnh Quốc và bà Hillary cùng các trợ lý hàng đầu của mình đã gặp nhau trong hai giờ rưỡi tại sân bay thuộc thành phố nghỉ dưỡng Tam Á. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên trên chuyến bay cùng Ngoại trưởng Hillary đến Campuchia rằng ông Đới Bỉnh Quốc đã tìm cách “tái bảo đảm“ về mối quan hệ Mỹ - Trung “sau khi xảy ra những căng thẳng gần đây về các vấn đề lãnh thổ, chính sách kinh tế vĩ mô và những vấn đề tương tự”.

Trước đó, trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary tuyên bố Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tuyên bố gây tranh cãi về chủ quyền đối với các hòn đảo, vốn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đối địch giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, đặc biệt là đồng minh Nhật Bản của Mỹ. Bà nêu rõ: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở. Và khi tranh chấp gia tăng liên quan lãnh thổ trên biển, chúng tôi cam kết giải quyết các vấn đề đó một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Theo các nhà quan sát, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ ẩn chứa trong những phát biểu ngoại giao đầy tinh tế, song truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng: Bắc Kinh không được sử dụng sức mạnh ngày càng lớn về kinh tế và quân sự của mình để uy hiếp các nước láng giềng. Những tuyên bố tương tự trước đó của bà Hillary và các quan chức khác của Mỹ từng làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ rộng lớn ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Như vậy, việc Mỹ đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nhật Bản - Trung Quốc không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia đó mà còn là lợi ích sống còn của Washington ở khu vực này, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang trở lại châu Á và muốn đóng một vai trò lớn hơn ở đây.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.