Càng ngày chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận thấy lực lượng khủng bố ở khu vực Bắc Phi, mà chủ yếu là Yemen trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của nước Mỹ và các đồng minh.
Vụ phát hiện bom trên chuyến bay đến Mỹ hôm 29-10 vừa qua còn cho thấy, Al-Qaeda luôn chọn Mỹ là mục tiêu tấn công số 1. Sau vụ đánh bom tàu chiến USS của Mỹ ở Vịnh Eden trước đây, Al-Qaeda đã tìm mọi cách tiếp cận các lợi ích của Mỹ để tấn công. Mỹ đã tăng cường sự hổ trợ cho chính phủ Yemen cả về phương tiện và tài chính nhằm chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan tại nước này. Tuy nhiên, hiệu quả giành được chưa đạt yêu cầu, và mối đe doạ khủng bố đang gia tăng đáng lo ngại.
Ngày 1-11, tờ Phố Wall (Mỹ) đưa tin giới quân sự Mỹ và chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang ngày càng ủng hộ việc chuyển cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) quyền kiểm soát hoạt động của các đơn vị đặc nhiệm ở Yemen. Dẫn lời các quan chức giấu tên, tờ Phố Wall cho biết âm mưu đánh bom bằng bưu kiện bị phát giác, tình nghi là do Al-Qaeda tại Yemen tiến hành, càng làm tăng thêm tính cấp thiết của việc chính quyền Mỹ xem xét các lựa chọn quân sự mở rộng. Theo Phố Wall , giới chức Mỹ cho rằng việc chuyển quyền kiểm soát cho CIA sẽ cho phép Mỹ đơn phương tấn công các mục tiêu bị tình nghi với tốc độ và tính bất ngờ cao hơn. Việc cho phép đặt hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt dưới sự chỉ đạo của CIA cũng giúp Mỹ có nhiều thời gian hơn để tấn công mà không cần xin phép chính phủ Yemen. Cách làm này như CIA đang thực hiện tại vùng núi phía Bắc của Pakistan nhằm tấn công và các nhóm khủng bố Al-Qaeda và Taliban lẫn trốn. Tờ Phố Wall cũng cho biết ngoài việc điều chỉnh mô hình phát động tấn công, nó còn cho phép Chính phủ Yemen có thể chối bỏ (trách nhiệm) bởi các chiến dịch của CIA là hoàn toàn bí mật, khó có thể tìm ra chứng cứ để buộc tội.
Cũng ngay sau sự kiện ngăn chặn hai gói bưu kiện chứa bom được gửi từ Yemen tới Mỹ, bắt đầu từ ngày 1-11, Mỹ đã áp dụng các quy định an ninh hàng không mới nghiêm ngặt hơn . Những quy định mới này, ra đời sau vụ khủng bố 11-9 song bị hoãn thi hành do những quan ngại liên quan tới vấn đề bí mật cá nhân, yêu cầu các hãng hàng không thu thập đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh và giới tính của hành khách trên tất cả chuyến bay cất cánh và hạ cánh xuống các sân bay Mỹ. Biện pháp này là nhằm đảm bảo các hành khách có trong “danh sách cấm bay” không được phép lên máy bay và những người vô can không bị “cấm bay oan”. Một số tập đoàn thương mại đại diện cho các hãng hàng không lớn cho biết các hãng hàng không sẵn sàng tuân thủ các quy định “Chuyến bay An toàn” và cho rằng những qui định này sẽ không gây phiền hà cho hành khách. Trong một động thái khác liên quan, Cơ quan An ninh Giao thông Mỹ (TSA) cùng ngày đã phái một nhóm chuyên gia tới Yemen để hỗ trợ rà soát các chuyến bay chở hàng hóa tới Mỹ và đảm bảo hàng hóa có thể được vận chuyển an toàn hơn.
Còn chính phủ Yemen cũng ra tuyên bố sẽ tăng cường giám sát tất cả các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sau vụ hai gói bưu kiện chứa bom được gửi đi từ nước này. Hãng thông tấn nhà nước Yemen cho biết Ủy ban quốc gia phụ trách an ninh hàng không dân dụng nước này đã quyết định “thực thi các biện pháp an ninh đặc biệt đối với tất cả các chuyến hàng rời các sân bay của Yemen nhằm đảm bảo an toàn hàng không dân dụng”. Ủy ban trên cũng quyết định siết chặt an ninh chung tại tất cả các sân bay của Yemen nhằm vô hiệu hóa những “phương thức mà các tổ chức khủng bố sử dụng”.
Liên quan đến vụ phát hiện nói trên, Hãng hàng không Qatar Airways vừa cho biết một bưu kiện chứa thuốc nổ đã được gửi từ Sana tới Doha và sau đó tới Dubai trên một máy bay của hãng này. Một nguồn tin giấu tên cho biết đó là máy bay chở khách. Trong khi đó theo một quan chức Mỹ tại Washington , Ibrahim Hassan al-Asiri 28 tuổi, người bị tình nghi là chuyên gia chế tạo bom của Al-Qaeda, đã nổi lên như một “nghi can hàng đầu” trong vụ đánh bom đã được phát giác tối 29-10.
Nguyên Châu