.

Thoát bế tắc

Sau 8 tháng tê liệt, cuối cùng Iraq cũng tìm ra lối thoát khi đạt được thống nhất về một Chính phủ mới. Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, người được cả Mỹ lẫn Iran lựa chọn, sẽ trở lại nắm quyền thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa.

Ông Maliki đã giành được sự ủng hộ của liên minh người Sunni do cựu Thủ tướng Iyad Allawi lãnh đạo. Tổng thống Iraq vẫn là nhà lãnh đạo người Kurd - ông Jalal Talabani. Chủ tịch Quốc hội sẽ được lựa chọn từ danh sách trong khối của ông Maliki. Chính phủ cũng sẽ thành lập một hội đồng mới với các nhà chức trách về vấn đề an ninh.

Như thế, thỏa thuận của Quốc hội sẽ mở ra một Chính phủ mới với sự đại diện đầy đủ của người Sunni nhằm giảm cơ hội bạo lực sắc tộc quay trở lại. Các vụ bạo lực vốn đã làm hàng chục ngàn người thiệt mạng kể từ cuộc chiến tranh năm 2003 lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein đến nay.

Nhà Trắng đã hoan nghênh sự việc này. Tony Blinken - cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - gọi đây là một bước tiến lớn. Cuộc bầu cử vào tháng 3 vừa qua đã mang lại cho liên minh Iraqiya của cựu Thủ tướng Allawi nhiều hơn 2 ghế so với liên minh của ông Maliki. Tuy nhiên, do không có đảng nào giành được quá bán trong Quốc hội nên Chính phủ Iraq rơi vào tình trạng “treo”, giằng co trong các cuộc đàm phán. Tháng trước, Thủ tướng Maliki đã đến thủ đô các nước Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập để kêu gọi sự hậu thuẫn cho ông tiếp tục tại vị. Bế tắc chính trị kéo dài suốt 8 tháng qua đã làm tê liệt Chính phủ Iraq, tạo cơ hội cho phần tử nổi dậy thực hiện các cuộc tấn công, đồng thời làm các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, trong khi tiến trình tái thiết đất nước vẫn trong giai đoạn vật vã.

Tuy nhiên, lúc này có những lo ngại rằng, sự trở lại của ông Maliki càng minh chứng cho ảnh hưởng của Iran đang gia tăng ở Iraq trong lúc lực lượng Mỹ rút quân. Hiện vẫn chưa rõ vai trò của giáo sĩ người Shiite có tư tưởng chống Mỹ - thân Iran Muqtada al-Sadr và giáo phái Shiite cứng rắn của ông trong việc hình thành chính phủ mới Iraq cũng như quan hệ giữa ông Maliki với Sadr có làm chệch hướng các chính sách an ninh và thương mại vốn được phương Tây hậu thuẫn hay không.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.