.

Vì sao Bình Nhưỡng giới thiệu nhà máy hạt nhân mới cho nhà khoa học Mỹ?

Hai quốc gia đang gây đau đầu cho Mỹ và nhiều nước phương Tây xung quanh vấn đề hạt nhân là Iran và CHDCND Triều Tiên. Các nỗ lực của cộng đồng quốc tế  kể cả biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế nhằm vào hai quốc gia này để ngăn chặn sự phát triển chương trình hạt nhân vẫn chưa có hiệu quả.

Riêng đối với Bình Nhưỡng, ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế theo tinh thần nghị quyết của LHQ, thì vòng đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh đã bị ngưng trệ lâu nay. Mỹ đã gia tăng áp lực và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để nối lại đàm phán, nhưng vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3 vừa qua, càng làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn, khi thủ phạm bị nghi là Bình Nhưỡng.

Nhưng một điều đang được Mỹ và các bên có liên quan hết sức  quan tâm là Bình Nhưỡng dường như đã hoàn thành việc đưa Kim Jong-ul làm người kế nhiệm và luôn đưa ra những lời cảnh báo là sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa đến nền an ninh của đất nước. Một câu hỏi được đặt ra là bị bao vây cấm vận nghiêm ngặt đến thế thì sức mạnh thực về hạt nhân của Bình Nhưỡng đến đâu? 

Mỹ và phương Tây nỗ lực tìm kiếm, đưa ra nhiều phỏng đoán khác nhau về các cơ sở, công nghệ và tiềm lực hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Thế nhưng, động thái khá bất ngờ khi  gần đây  Bình Nhưỡng đã cho nhà khoa học Mỹ Siegfried Hecker tới thăm cơ sở hạt nhân mới của mình. Tờ New York Times tối 20-11 đưa tin CHDCND Triều Tiên tuần trước đã cho một nhà khoa học Mỹ xem một nhà máy làm giàu uranium mới quy mô lớn được lắp đặt hàng trăm máy ly tâm. Nhà khoa học Siegfried Hecker nói với New York Times rằng ông đã “kinh ngạc” về nhà máy mới tinh vi nói trên, và đã thông báo riêng cho Nhà Trắng về những phát hiện của mình. Siegfried Hecker cho biết ông đã trông thấy “hàng trăm và hàng trăm” máy ly tâm được lắp đặt trong một “căn phòng điều khiển cực kỳ hiện đại”. Tờ New York Times cũng cho biết CHDCND Triều Tiên trước đó tuyên bố khoảng 2.000 máy ly tâm đã được lắp đặt và vận hành tại nhà máy mà ông Hecker được đến thăm này. Nhưng hiện nay cả nhà khoa học Siegfried Hecker  và Mỹ chưa rõ cơ sở hạt nhân nói trên nằm ở đâu.

Đây được xem như là một thông điệp gián tiếp mà CHDCND Triều Tiên gởi đến Mỹ để khẳng định rằng, bất chấp khó khăn, công nghệ hạt nhân của Bình  Nhưỡng vẫn phát triển mạnh mẽ. Hơn thế, Bình Nhưỡng muốn nói rằng họ đến bàn đàm phán lần này cũng sẽ khác, không phải là đối tác lệ thuộc bị ràng buộc các điều kiện có sẵn mà phải có đi có lại và ở thế chủ động hoàn toàn. Bình Nhưỡng không chỉ “gây sốc” cho nhà khoa học Siegfried Hecker mà cả chính quyền của Tổng thống B. Obama. Đây sẽ là bài toán khó mà Mỹ lại phải tiếp tục giải quyết và nếu càng chậm trễ thì càng trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó dư luận cho rằng đó là “món quà” được trao cho người kế nhiệm tương lai Kim Jong-ul để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế .

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.