Bị chính sách thù địch, bao vây cấm vận của Mỹ suốt mấy chục năm qua, đất nước Cuba phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, cùng sự ủng hộ của nhân dân các nước, Cuba đã vượt qua mọi khó khăn, nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua để đứng vững.
Đồng thời, Chính phủ Cuba đang từng bước tiến hành đổi mới về kinh tế-xã hội, tạo ra những chuyển biến đáng kể trong đời sống chính trị của đất nước. Mới đây, qua trung gian Nhà thờ Cuba, chính quyền đã thả nhiều phạm nhân bị giam giữ do chống chế độ trong những năm trước đây, được các nước Liên minh Châu Âu (EU) đánh giá cao. Không những vậy, Chính phủ Cuba đã tiến hành cải cách nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tinh giản biên chế trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước...
Trong quan hệ với các đối tác nước ngoài, nhất là Mỹ cũng có những thay đổi đáng kể. Ngày 26-12, hãng ANSA đưa tin Chính phủ Cuba và Mỹ đã thỏa thuận với Tập đoàn Western Union dỡ bỏ thuế đối với kiều hối gửi về từ Mỹ. Nguồn tin từ Ngân hàng Western Union tại Mỹ cho biết, quyết định này chính thức có hiệu lực sau khi Bộ Tài chính nước này đăng thông báo cho phép thực hiện phương thức chuyển tiền mới sang Cuba. Nhân viên Western Union tại Cuba khẳng định việc dỡ bỏ thuế đối với kiều hối từ Mỹ đã được thực hiện từ ngày 20-12 và ngay sau ngày này, lượng kiều hối gửi về Cuba từ Mỹ đã tăng vọt. Trước đây, những người Cuba khi nhận kiều hối từ Mỹ phải trả mức thuế 10% để đối lấy tiền CUC (peso chuyển đổi) và với quyết định này, người ta không phải trả mức thuế nêu trên.
Nhận định về những thay đổi hiện nay tại Cuba, cùng ngày, Tạp chí “Palabra Nueva” của Nhà thờ Cuba cho rằng, Chính phủ nước này đã lựa chọn giải pháp “ít mạnh dạn hơn cả” trong các cải cách để cập nhật hóa mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa; tuy nhiên, họ thừa nhận những thay đổi này sẽ có lợi cho đất nước. Bài viết đăng trên tạp chí này nhấn mạnh Nhà nước không hề từ bỏ bất cứ tài sản nào của họ trong quá trình tư nhân hóa. Trên thực tế, Nhà nước chỉ khiến những người lao động bị liệt vào danh sách dư thừa tại khu vực Nhà nước phải tự tìm công ăn việc làm.
Nhưng nhà thờ thừa nhận việc 300.000 người dự kiến tới đây sẽ tìm được việc làm ở khu vực ngoài quốc doanh sẽ khiến đất nước thay đổi không chỉ trên khía cạnh kinh tế mà còn cả trên khía cạnh xã hội. Việc linh hoạt hóa tình trạng tự tìm việc làm là một trong những thay đổi cơ bản của các chính sách cải cách. Tạp chí này cho rằng có vẻ như hiện tại trong bộ máy Chính phủ có sự đồng thuận với ý kiến về việc mô hình kinh tế đất nước thực sự cần thay đổi. Trước đây, vào những năm 1990, Chính phủ Cuba cũng đã mở cửa cho kinh tế tư nhân trước những tác động tiêu cực khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ và Cuba mất viện trợ. Nhưng, khi kinh tế đất nước hồi phục, Chính phủ nước này đã hạn chế tối đa sự phát triển của nền kinh tế tư nhân.
Song, Chính phủ Cuba cũng thấy rõ những khó khăn trước mắt. Báo Granma, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba số ra mới đây có bài xã luận cho rằng, năm 2010 là năm “Cách mạng trong lòng cách mạng” và năm tới sẽ là năm khó khăn đối với nước này. Bài xã luận nhấn mạnh, năm 2011 là năm nhân dân Cuba sẽ phải xây dựng một đất nước “khác” và người dân sẽ phải “làm việc”. Bài báo khẳng định: Giờ đây chúng ta sẽ không nói về năm mới, mà nói về đất nước mới, và nhận định việc Chính phủ quyết tâm thực hiện những cải cách kinh tế mang tính “chiến lược”, đó là “một cuộc cách mạng trong lòng cách mạng”.
Theo Granma, năm 2011 sẽ là một năm với “muôn vàn thách thức, tuy nhiên với những chiến lược và chiến thuật vô cùng rõ ràng, Cuba có thể sẽ nổi lên như một quốc gia với nền kinh tế bền vững và củng cố nền độc lập của mình”. Tờ báo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng “một đất nước đoàn kết và đa dạng”, “lực lượng sản xuất sẽ không bị trói buộc bởi những cái gọi là tư duy”. Bài xã luận nhấn mạnh những tuyên bố của Chủ tịch Raul Castro kêu gọi sự thay đổi trong nhận thức của tất cả mọi người tại Cuba và khẳng định năm tới sẽ không hề dễ dàng với đất nước, nhưng việc áp dụng những chính sách tiết kiệm và thắt chặt kỷ cương ngân sách của Chính phủ nhằm tăng hiệu quả sản xuất sẽ cho phép đất nước “hoạt động với nhịp đập khỏe hơn”. Tờ báo cũng cho rằng cần phải “bảo tồn và tăng cường chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao, những thành quả xã hội mà Cuba tự hào”.
Nguyên Châu