.

Ngân hàng hạt nhân đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động

Các nước thành viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)  trong cuộc họp ngày 3-12 tại Viene (Áo) đã nhất trí thành lập một Ngân hàng nhiên liệu hạt nhân quốc tế chứa urani (hay còn gọi là Kho dự trữ LEU) được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) để tạo điều kiện cho các nước tiếp cận nguồn năng lượng hạt nhân mà không phải canh cánh nỗi lo phổ biến vũ khí nguyên tử.

Trong một nghị quyết được Mỹ và các nước khác đệ trình, các thành viên IAEA đã ủy nhiệm cho Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano thành lập ngân hàng dự trữ nhiên liệu hạt nhân nói trên. Ngân hàng này sẽ bảo đảm việc cung cấp urani được làm giàu ở cấp độ thấp cho các nước thành viên IAEA không thể tự sản xuất hoặc mua urani trên thị trường do “tình huống bất thường”, song vẫn cần vì mục đích hòa bình. Đại diện của Mỹ tại IAEA Glyn Davies nói với các phóng viên sau phiên họp của Ban giám đốc IAEA gồm 35 thành viên: “Đó là bước đi khiêm tốn, song quan trọng và sẽ giúp bảo vệ quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình của tất cả các nước”.
 
Theo kế hoạch, IAEA sẽ làm chủ và quản lý urani cũng như có trách nhiệm lưu trữ và bảo vệ nguyên liệu này. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano sẽ là người quyết định nước nào đủ tiêu chuẩn được mua urani từ ngân hàng nhiên liệu quốc tế. Ngân hàng nhiên liệu hạt nhân quốc tế trị giá 150 triệu USD và được 28 nước ủng hộ. Các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp 125 triệu USD và 25 triệu euro để xây dựng và vận hành ngân hàng này. Không có nước bỏ phiếu chống nghị quyết, song sáu nước đang phát triển là Argentina, Brazil, Ecuador, Nam Phi, Tuynidi và Venezuela bỏ phiếu trắng, trong khi phái đoàn Pakistan không có mặt tại phiên bỏ phiếu.

Ngày 20-12, IAEA và Nga đã chính thức đưa vào hoạt động Ngân hàng LEU đầu tiên của thế giới tại Trung tâm làm giàu urani quốc tế Angarsk của Nga. Ngân hàng LEU này trị giá 300 triệu USD với số urani làm giàu cấp độ thấp lên tới 120 tấn, bảo đảm cung cấp liên tục nguồn LEU cho các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu. Ngân hàng LEU nói trên hoạt động theo quy chế của IAEA được Nga tài trợ chi phí thành lập, bảo trì, lưu trữ, bảo vệ, an toàn và an ninh theo Hiệp định được ký kết giữa IAEA và Nga tháng 3-2010 nhằm bảo đảm cung cấp nguồn urani để sử dụng cho các mục đích hòa bình như làm nguyên liệu LEU cho các nhà máy điện hạt nhân. Ngân hàng LEU này là nguồn cung mới nhất LEU cho các nước thành viên của IAEA với giá thị trường. Lãi từ kinh doanh LEU sẽ được sử dụng để tiếp tục mở rộng kho dự trữ.

Liên quan đến vấn đề hạt nhân, ngày 23-12, IAEA đã phối hợp với các đối tác quốc tế vận chuyển an toàn hơn 2,5 tấn vật liệu hạt nhân gồm 8.000 thanh urani được làm giàu ở mức độ cao (HEU) từ Viện Khoa học hạt nhân Vinca ở ngoại ô thủ đô Beograt của Cộng hòa Serbia đến cơ sở tái chế Mayak của Nga. Dự án chuyển vật liệu hạt nhân này bắt đầu từ năm 2002 khi các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân công suất 6,5 MW do Nga xây dựng từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 gây ra các nguy cơ tiềm tàng về an ninh và môi trường.
 
Theo IAEA, đây là số nhiên liệu hạt nhân HEU lớn nhất được vận chuyển một lần trong chương trình quốc tế đưa các vật liệu hạt nhân trở lại nước cung cấp nguồn nhiên liệu này, kết thúc thành công dự án. Tổng Giám đốc IAEA lưu ý rằng đây là dự án hết sức phức tạp liên quan đến nhiều Chính phủ, nhiều nhà hợp đồng và các tổ chức phi chính phủ và phải đi qua nhiều nước trong điều kiện bảo đảm an ninh cao nhất. Thành công của dự án này mở ra triển vọng hợp tác để đưa HEU từ nước sử dụng về nước sản xuất.

Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nhấn mạnh cơ quan này đã tích cực tham gia và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác với các đối tác quốc tế chuyển các nhiên liệu của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân từ các nước Czech, Hungari, Lybia, Romania và Việt Nam về nước gốc, đồng thời hỗ trợ các nước chuyển các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân sang sử dụng nhiên liệu urani làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) để bảo đảm an toàn.
Cùng với sự ra đời Ngân hàng LEU và việc số nhiên liệu hạt nhân HEU lớn nhất được vận chuyển một lần trong chương trình quốc tế đưa các vật liệu hạt nhân trở lại nước cung cấp nguồn nhiên liệu này, kết thúc thành công là nỗ lực lớn của IAEA nhằm ngăn chặn sự tán phát các nhiên liệu hạt nhân ra bên ngoài không kiểm soát được dễ rơi vào tay bọn khủng bố, hoặc sử dụng bất hợp pháp sản xuất vũ khí hạt nhân, gây thảm họa cho nhân loại.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.