.

Quả bóng ngoại giao

Quả bóng ngoại giao vốn được đẩy cho Trung Quốc. Nhưng khi quốc gia châu Á này, cũng là đồng minh kinh tế, chính trị của CHDCND Triều Tiên từ chối chỉ trích Bình Nhưỡng và tỏ ra thiếu kiên quyết thì Mỹ lại chủ trì ngay cuộc họp 3 bên (với Nhật Bản và Hàn Quốc) tại Washington để tìm cách tháo gỡ khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Quả bóng ngoại giao đang lăn từ Trung Quốc sang Mỹ. Song, Đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ - cho rằng Trung Quốc cần có những bước tiến để gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên và việc kêu gọi đàm phán 6 bên sẽ không thay thế cho một hành động mạnh mẽ. Ông Mullen vẫn bày tỏ tin tưởng Bắc Kinh có ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo nhà phân tích Scott Snyder, để đàm phán 6 bên diễn ra, CHDCND Triều Tiên trước hết phải chứng tỏ thiện chí phi hạt nhân hóa, đồng thời Trung Quốc cũng phải thể hiện ảnh hưởng hiệu quả lên Bình Nhưỡng.


Phát biểu với phái đoàn CHDCND Triều Tiên đang ở thăm Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc nhấn mạnh đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nước vốn trải qua thời gian và sóng gió. Cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều khẳng định việc thúc đẩy hợp tác thông tin chiến lược và kinh tế. Trung Quốc nói rằng, Nga ủng hộ đàm phán 6 bên và một cuộc đàm phán với cách tiếp cận mềm dẻo, thực tế, chủ động để đạt giải pháp toàn diện, lâu dài, nhằm thay thế cho sự đối đầu sẽ hiệu quả hơn cả.


Hội nghị 3 bên vào đầu tuần sau được tổ chức tại Mỹ không có sự tham dự của Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ Washington không trông đợi nhiều vào vai trò trung gian hòa giải của nền kinh tế thứ hai thế giới này. Trong khi đó, quả bóng ngoại giao của Hàn Quốc trong vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lại lăn về phía Mỹ, nhất là khi Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đang bị các nghị sĩ và dư luận trong nước chỉ trích gay gắt. Mỹ - Nhật - Hàn sẽ “bắt tay” nhau và bán đảo Triều Tiên đang có nguy cơ thành “chảo lửa” thật sự.


VĨNH AN

;
.
.
.
.
.