Năm 2001, được cho là năm khởi đầu cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu sau sự kiện 11- 9 gây chấn động toàn cầu. Chính quyền Mỹ, đứng đầu là Tổng thống G.W.Bush, đã phát động cuộc chiến tranh đầu tiên của thế kỷ XXI nhằm vào Afghanistan, nơi sào huyệt của Al-Qaeda, để hy vọng quét sạch đạo quân của Bin Laden và chính quyền Taliban, dung dưỡng cho lực lượng khủng bố.
Sau đó không lâu vào năm 2003, Mỹ lại phát động tiếp cuộc chiến tranh thứ hai nhằm vào Iraq, cũng được Mỹ cho là quốc gia chứa chấp khủng bố, sản xuất và tàng trữ vũ khí hạt nhân. Không những vậy, Mỹ còn mở rộng cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu, với quyết tâm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống xã hội, không còn đe doạ tới an ninh nước Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu đã không gặt hái được thành quả như mong muốn. Trên phương diện nào đó đã làm cho nước Mỹ lún sâu vào những khó khăn cả quân sự, ngoại giao và kinh tế. Mỹ rút quân khỏi Iraq, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục mất ổn định do nội bộ chính quyền không đoàn kết, chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa cho cuộc sống của người dân. Trong khi đó, Afghanistan đã trải qua10 năm khói lửa mà nền hòa bình vẫn còn quá xa vời. Mỹ tiếp tục tăng quân, tăng viện trợ và bóng gió cho rằng quân đội Mỹ và NATO có thể ở lại sau năm 2014, năm mà theo kế hoạch quân đội nước ngoài phải triệt thoái khỏi quốc gia Nam Á này. Cuộc chiến ở Afghanistan cho thấy sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đã không xoay chuyển được tình thế. Ban đầu Taliban tan rã, nhưng nay chúng lại mạnh lên và đang thách thức quân đội chiếm đóng rằng không thể nào đánh bại chúng hoàn toàn, mà phải chọn giải pháp chính trị mới hy vọng có một nền hòa bình nào đó cho đất nước này.
Ngoài hai cuộc chiến tranh đó, Mỹ còn tăng quân, vung tiền ra để phát động nhiều cuộc chiến tranh không tuyên bố chống Al-Qaeda và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác ở Algeria, Sudan, Pakistan, Yemen, Indonesia, Philippines…Thế nhưng, nước Mỹ vẫn chưa an toàn, các lợi ích của Mỹ vẫn bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Hay nói cách khác, nền an ninh của nước Mỹ luôn bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố. Câu hỏi lớn đang đặt ra cho Nhà Trắng mà chưa có câu trả lời thỏa đáng là vì sao càng chống khủng bố thì nước Mỹ càng tiếp tục bị đe dọa đến vậy?
Đối với cử tri Mỹ, câu hỏi trên còn gắn liền với một số liệu khác cũng không kém phần quan trọng là tiền chi nhiều cho cuộc chiến chống khủng bố lại mang đến ít hiệu quả thì trách nhiệm của người đứng đầu Nhà Trắng ra sao? Theo ITAR-TASS dẫn số liệu được các nhà phân tích thuộc Cơ quan điều tra Quốc hội Mỹ đưa ra hôm 21-1 cho thấy, hoạt động chống khủng bố trong 10 năm qua đã tiêu tốn hơn 1.200 tỷ USD ngân sách của Mỹ. Bản đánh giá chi phí giai đoạn từ ngày 11-9-2001, khi Al-Qaeda tiến hành các cuộc khủng bố ở New York và Washington , đến ngày 30-9-2010, không chỉ tính toán các khoản cấp trực tiếp cho hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan . Theo ITAR-TASS, số liệu còn bao gồm những hợp đồng dài hạn với các đối tác nhận thầu về cung cấp vũ khí, chi phí xây dựng các công trình quân sự, chữa trị người bị thương, trợ cấp các gia đình binh sĩ thiệt mạng và cựu chiến binh, những hoạt động bảo vệ an ninh trên lãnh thổ Mỹ, an ninh các tòa đại sứ và công tác nghiên cứu. Trong năm tài chính 2011, Mỹ dự kiến sẽ chi 159 tỷ USD cho các hoạt động và chiến dịch ở Iraq và Afghanistan .
Đó là tiền do người Mỹ đóng thuế và họ có quyền đòi hỏi người đứng đầu Nhà Trắng rằng những khoản chi đó phải có hiệu quả chứ không thể phung phí để rồi nước Mỹ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại. Chính vì vậy mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tập trung giải quyết cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan một cách căn bản để trước khi bước vào vận động tranh cử nhiệm kỳ hai. Nhưng Barack Obama có làm được điều đó hay không thì xem ra vẫn còn quá sớm để có câu trả lời thỏa đáng.
Nguyên Châu