.

Chưa có bằng chứng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân

Vấn đề hạt nhân của Iran đang tiếp tục hâm nóng tại các diễn đàn quốc tế. Mỹ và các đồng minh luôn cáo buộc Tehran đang tiến đến giai đoạn cuối để sở hữu vũ khí hạt nhân. Thậm chí còn có thông tin nước này đã có trong tay nhiên liệu đã làm giàu ở cấp độ vũ khí… Chính  những cáo buộc đó mà hiện nay Iran đang đối mặt với lệnh cấm vận kinh tế của LHQ và các cấm vận riêng rẽ do Mỹ và EU nhằm vào nước này.

Vậy sự thật vấn đề hạt nhân của Iran  đến đâu?  Phát biểu tại diễn đàn Davos, Thụy Sĩ ngày 26-1, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng cộng đồng quốc tế không có bằng chứng rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân. Tổng thống Medvedev nói với các nhà lãnh đạo thế giới và giới lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu rằng mới đây, ông đã nói với Tổng thống Iran và khuyến khích nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này chứng minh các hoạt động hạt nhân của Tehran là vì mục đích hòa bình. Tổng thống Medvedev nói: “Cho tới nay, cộng đồng quốc tế chưa có thông tin cho thấy Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân”.

Trước đó, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Israel, Chuẩn tướng Aviv Kochavi ngày 25-1  cũng nói rằng Iran hiện không tiến hành chế tạo một quả bom hạt nhân song có thể làm điều này trong “một đến hai năm” sau khi đưa ra quyết định. Phát biểu trước ủy ban đối ngoại và quốc phòng của Quốc hội trong lần báo cáo đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng 11-2010, ông Kochavi nói: “Vấn đề không phải là thời điểm Iran sẽ sở hữu bom (hạt nhân), mà là còn bao lâu nữa nhà lãnh đạo (của họ) quyết định bắt đầu làm giàu (urani) tới mức 90%”.
 
Một khi quyết định như vậy đưa đưa ra, sẽ mất từ “một đến hai năm” để sản xuất một đầu đạn hạt nhân. Ông nói thêm khi đó Iran sẽ cần thêm thời gian để phát triển một hệ thống tên lửa phóng hiệu quả cho đầu đạn hạt nhân này. Theo Kochavi, ít có khả năng Iran, hiện đã làm giàu urani tới mức 20%, sẽ bắt đầu làm giàu urani tới mức 90% đủ để chế tạo bom, vì điều đó công khai vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Iran sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn hay thậm chí có thể bị Mỹ hoặc Israel tấn công quân sự. Kochavi cho rằng Iran không muốn làm điều này vào thời điểm đất nước đang trải qua giai đoạn “bất ổn” và “căng thẳng tôn giáo”. Chuẩn tướng Aviv Kochavi nói: “Vào thời điểm hiện nay, không có lợi cho Iran trong việc thúc đẩy chương trình của họ”.

Cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran, Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin ngày 26-1 cho rằng NATO nên điều tra vụ virút máy tính hồi năm ngoái đã tấn công một lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng ở Iran. Đại sứ  Dmitry Rogozin nói rằng virút tấn công hệ thống máy tính của lò phản ứng Bushehr đã khiến các máy li tâm không thể kiểm soát. Ông nói “loại virút rất độc và rất nguy hiểm này có thể gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng. Những ‘quả mìn’ này có thể dẫn tới một vụ Chernobyl mới”, ám chỉ vụ thảm họa hạt nhân năm 1986 tại một nhà máy ở Ukraine, khi đó là một phần của Liên bang Xôviết. Ông nhấn mạnh: “NATO cần phải điều tra vụ việc này... Đây không phải là chủ đề riêng tư”.

Iran đã bắt đầu tiếp nhiên liệu cho lò Bushehr vào tháng 8-2010 trong khi giới chức nói lò phản ứng này sẽ bắt đầu sản xuất năng lượng vào đầu năm nay, thời điểm chậm hơn nhiều tháng sau vụ xuất hiện loại virút máty tính nói trên, được cho là chủ yếu nhằm vào Iran. Giới chức Iran xác định virút Stuxnet đã tấn công các máy tính của nhân viên tại nhà máy Bushehr, song không ảnh hưởng tới các hệ thống máy tính lớn.

Chính những thông tin trái ngược và các hành động nguy hiểm nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran để tấn công có thể gây nên thảm hoạ khó lường, đang tiếp tục gây chia rẽ các cường quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua đàm phán.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.