Hơn nửa thế kỷ qua, Trung Đông được ví như là một chảo lửa, bởi các cuộc chiến tranh quy mô lớn, hay các vụ xung đột vũ trang, xung đột tôn giáo... triền miên làm cho hàng trăm ngàn người dân vô tội thiệt mạng. Nhưng nổi bật nhất vẫn là cuộc xung đột vũ trang giữa Israel-Palestine là nhân tố cốt lõi làm cho nền hòa bình Trung Đông là “món hàng xa xỉ” mà người dân nơi đây coi đó là mơ ước mà thôi.
Vì trên thực tế, cuộc đấu tranh của người dân Palestine để có một Nhà nước độc lập bên cạnh Nhà nước Do Thái kéo dài suốt mấy chục năm qua vẫn còn quá xa vời. Các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra rồi lại đi vào ngõ cụt, thậm chí hai bên đã ký kết thỏa thuận về lộ trình hòa bình rồi bị phá bỏ, mà nguyên nhân chủ yếu là lực lượng cực hữu của Israel không chấp nhận hòa bình, không chịu rút quân ra khỏi các vùng đất của người Arab mà họ chiếm đóng. Đầu tháng 9-2010, qua trung gian của Mỹ, Israel và Palestine khởi động lại các cuộc đàm phán, nhưng chẳng bao lâu bị thất bại, vì Tel Aviv vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất của người Palestine.
Ngày 7-12-2010, Mỹ đã thừa nhận không thể thuyết phục Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái, yêu cầu mà Palestine đặt ra để nối lại hòa đàm. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã đưa ra đề xuất tiến hành đàm phán gián tiếp, song không được hưởng ứng. Palestine khẳng định không đàm phán với Israel chừng nào Israel vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái. Liên đoàn Arab (AL) cũng quyết định không nối lại đàm phán nếu Mỹ không đưa ra một đề xuất nghiêm túc nhằm bảo đảm chấm dứt cuộc xung đột Arab - Israel phù hợp với các nguyên tắc của tiến trình hòa bình.
Trong khi đó, ngày 4-1 trả lời phỏng vấn riêng, Ngoại trưởng theo đường lối cứng rắn của Israel Avigdor Lieberman tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có sự hợp tác tốt đẹp về kinh tế và an ninh, chúng tôi cần phải tiếp tục hợp tác trong 2 lĩnh vực này và ít nhất 10 năm nữa mới chuyển sang giải pháp chính trị”. Ông Lieberman nhấn mạnh: “Không thể thúc đẩy một cách giả tạo tiến trình chính trị. Cần phải tiến từng bước một”. Ông Lieberman cho rằng nên có một thỏa thuận dài hạn tạm thời với Palestine, trong bối cảnh các cuộc hòa đàm đang lâm vào bế tắc từ nhiều tháng qua, đồng thời chê trách rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã bị cường điệu hóa?!
Việc Ngoại trưởng Avigdor Lieberman cho rằng sẽ cần ít nhất một thập kỷ để đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine là không có gì lạ đối với cộng đồng quốc tế, vì thực tế Tel Aviv không muốn thực hiện lộ trình do Bộ tứ soạn thảo, không để cho người Palestine có một Nhà nước độc lập cùng chung sống hòa bình.
Động thái đó chỉ làm cho nguy cơ xung đột ở Trung Đông bùng phát trở lại và hòa bình tiếp tục là câu hỏi lớn không có lời giải đáp.
Nguyên Châu