.

Thủ tướng mới của Lebanon

Trùm  tỷ phú truyền thông người Sunni được phong trào Hồi giáo Hezbollah ở  Lebanon hậu thuẫn, ông Najib Mikati, ngày 25-1 đã giành được đủ sự ủng hộ của các nghị sĩ trong Quốc hội để có thể được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của quốc gia Trung Đông này. 

Theo THX, ông Mikati, 55 tuổi, đã nhận được sự ủng hộ của 68 trên tổng số 128 nghị sĩ Quốc hội, đã có các cuộc họp với Tổng thống Michel Sleiman kể từ hôm 24-1 để thảo luận các vấn đề xung quanh việc thành lập Chính phủ, sau khi phong trào Hồi giáo Hezbollah hạ bệ Chính phủ đoàn kết của Thủ tướng Saad Hariri được phương Tây hậu thuẫn hôm 12-1. Ngày 25-1, Tổng thống Sleiman  đã chỉ định ông Mikati làm người đứng đầu Chính phủ  sau khi kết thúc tham vấn với các nhóm trong Quốc hội. Phát biểu sau khi được chỉ định, ông Mikati cho biết ông sẽ khởi động các cuộc thảo luận để thành lập Chính phủ vào ngày 27-1 tới, đồng thời kêu gọi tất cả các phe phái ở  Lebanon vượt qua những bất đồng giữa họ.

Ngay lập tức, việc ông Mikati được bổ nhiệm làm Thủ tướng đã khơi mào cho làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người Sunni. Động thái này được xem như nỗ lực để phong trào Hezbollah được  Syria và Iran ủng hộ loại ông Hariri - nhà lãnh đạo người Suni nổi nhất ở  Lebanon, và nắm quyền kiểm soát Chính phủ. Theo hệ thống chia sẻ quyền lực phức tạp ở  Lebanon, Thủ tướng phải là một người Hồi giáo dòng Sunni.

Cùng ngày, những người biểu tình ủng hộ Thủ tướng Hariri đã đốt cháy xe của của kênh truyền hình  Arab Al Jazeera tại thành phố miền Bắc Tripoli, khiến các phóng viên của kênh này và nhiều phóng viên khác phải tạm lánh sang một tòa nhà gần đó.

Trong khi đó, theo tờ "Ai Cập ngày nay" ngày 25-1, cựu Tổng thống  Lebanon Amine Gemayel cho rằng  Syria  đang cố không để Ai Cập tham gia vào tiến trình dàn xếp chính trị ở  Lebanon, sau khi chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri sụp đổ.

Trả lời phỏng vấn báo này, ông Gemayel cho rằng  Syria phải chịu trách nhiệm về thất bại của những nỗ lực trung gian  Syria - Saudi Arabia nhằm giải quyết những bất đồng giữa phe đối lập và chính phủ  Lebanon về việc tòa án quốc tế đang điều tra vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Theo ông Gemayel,  Syria thiên về ủng hộ phe đối lập vì nước này có cùng lợi ích với phe đối lập  Lebanon. Ông Gemayel còn cảnh báo  Lebanon có thể diễn ra đối đầu vũ trang sau khi các thành viên Hezbollah rút khỏi chính phủ và sự sụp đổ của chính phủ nước này.
 
Việc triển khai các lực lượng Hezbollah ngày 18-1 đã gửi đi thông điệp rõ ràng tới người dân là nếu không chọn nhân vật được Hezbollah chỉ định thì quốc gia này có nguy cơ bị tàn phá quy mô lớn. Nhắc tới Hezbollah, ông Gemayal nói: "Lực lượng này sử dụng vũ trang, áp lực và đe dọa để đạt được mục đích. Nhóm này được các thế lực nước ngoài ủng hộ, cung cấp vũ khí và khả năng cần thiết để đạt được mục tiêu làm mất uy tín chính quyền  Lebanon". Ông Gemayel cũng lên tiếng buộc tội Hezbollah sử dụng vũ trang để phục vụ những mục đích chính trị, trong đó có mục tiêu chính trị nội bộ, chứ không vì kháng chiến.

Tình hình đó cho thấy chính trường ở Lebanon tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất gay, khi mà các quốc gia có lợi ích ở nước này có rất nhiều toan tính khác nhau, thông qua các phe phái để đạt được mục đích của mình.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.