.

Hiệu ứng domino

Sự kiện các lực lượng đối lập kêu gọi hàng vạn người dân xuống đường chống Chính phủ buộc Tổng thống Tunisia Ben Ali  phải ra đi hôm 15-1 đã khơi mào cho các cuộc biến động khác ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi thời gian gần đây.

Ngay sau khi tình hình Tunisia tạm lắng dịu, thì đến lượt Ai Cập bùng phát các cuộc biểu tình chống Chính phủ, đòi Tổng thống Mubarak từ chức. Trước áp lực mạnh mẽ của cả triệu người biểu tình suốt 18 ngày qua, gây ra các vụ bạo động đường phố làm cho hàng ngàn người chết và bị thương và  lời kêu gọi từ các nước rằng sớm chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, ngày 11-2, Tổng thống Mubarak đã phải từ chức, giao cho quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước.

Nhưng các biến cố đó không dừng lại, theo nguồn AFP, khoảng 30.000 cảnh sát Algeria đã được triển khai tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thủ đô Algers và xung quanh Quảng trường 1-5 để đối phó với cuộc tuần hành diễn ra ngày 12-2 theo lời kêu gọi của phong trào Phối hợp quốc gia vì sự Thay đổi và Dân chủ (CNDC). Mặc dù bị cấm, song hơn 2.000 người tham gia cuộc tuần hành đi từ Quảng trường 1-5 tới Quảng trường Martyrs ở phía Tây thành phố để ăn mừng “sự ra đi” của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và đòi thay đổi chế độ nước này.
 
Ở một số địa phương khác như Oran (phía Tây Algeria), Boumerdes, Béjaia, Tizi Ouzou (Đông Algeria), CNDC cũng kêu gọi người dân hưởng ứng. Đã nổ ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát. Một số người đã bị bắt giữ, trong đó có Fodil Boumal, một trong những sáng lập viên của phong trào CNDC và Maazouz Othman, một thành viên của Đảng Tập hợp vì Văn hóa và Dân chủ (RCD). Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu “Angieri tự do” và “Giải tán chế độ”. CNDC được thành lập với nòng cốt là các đảng đối lập và các tổ chức dân sự tự phát sau cuộc biểu tình ngày 21-1 vừa qua của đảng RCD đối lập khiến 5 người chết và hơn 800 người bị thương, trong đó phần lớn là cảnh sát. 

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình Yemen, lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình tại Ai Cập khiến tổng thống nước này phải từ chức, ngày 12-2 kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng tương tự và đã đụng độ với những người ủng hộ chính phủ trên đường phố ở thủ đô Sana. Khoảng 300 sinh viên biểu tình chống chính phủ đã tập trung tại đại học Sana. Những người biểu tình đã hô vang “Người dân muốn chính phủ sụp đổ”, “Cách mạng ở Yemen tiếp theo cách mạng Ai Cập”. Khi số người biểu tình tăng lên hàng nghìn, họ bắt đầu tuần hành tới Đại sứ quán Ai Cập song đã chạm trán với những người ủng hộ chính phủ mang theo dao và gậy gộc trên đường. Đụng độ xảy ra khi một số người biểu tình ném giày vào phía bên kia trong khi những người khác sử dụng dùi cui hoặc đấm nhau. 

Rõ ràng, những sự kiện đang diễn ra tại một số nước ở Trung Đông và Bắc Phi cho thấy những mâu thuẫn xã hội ở các nước này là rất sâu sắc, không chỉ là  chính sách điều hành của chính phủ có vấn đề, mà nạn tham nhũng , bất công xã hội, hố ngăn cách giàu nghèo tăng lên, bệnh tật, nạn mù chữ… đã đẩy hàng triệu người dân tới chỗ bần cùng hóa. Mặt khác, còn có sự can thiệp từ bên ngoài để cho các phe đối lập chống chính phủ có cơ hội và điều kiện tập hợp lực lượng, tổ chức các cuộc biểu tình dài ngày, gây ra sự xáo trộn đất nước, tạo áp lực mạnh mẽ để tổng thống phải từ chức hoặc chạy ra nước ngoài.

Do vậy, các nhà quan sát lên tiếng cảnh báo là một hiệu ứng domino các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống và chính phủ đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi được khơi mào từ Tunisia lan tới Ai Cập và có dấu hiệu bùng phát ở Yemen và Algieria…

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.