.

Biện hộ

Cuộc chiến ở Libya dường như đang chuyển sang một bước ngoặt khác khi mà Mỹ đã tìm mọi cách chuyển quyền chỉ huy lại cho NATO, đứng đầu là một viên tướng người Canada. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Washington lại nhường quyền đó cho NATO, nhưng lại có một lực lượng không quân và hải quân tới 70% để thực hiện các vụ không kích  hằng ngày vào Libya?

Thật ra đó cũng là điều không khó hiểu, vì chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn có được cả tiếng và miếng khi tấn công vào quốc gia Bắc Phi này. Giới chỉ trích và các thành viên thuộc phe đối lập cho rằng lẽ ra Tổng thống Barack Obama không nên đưa ra quyết định khi chưa tham khảo ý kiến của Quốc hội Mỹ. Đến khi bị dư luận trong nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ thì Nhà Trắng tìm mọi cách để hoá giải sao cho có lợi nhất. Ngoài việc chuyển giao quyền chỉ huy, các nhân vật trong “Nội các chiến tranh” của Mỹ liên tiếp tung ra những lời biện hộ cho hành động quân sự nhằm vào Libya mà Tổng thống Barack Obama quyết định. Trong những ngày qua, liên tiếp trên các kênh truyền hình NBC, ABC và CBS, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates - các nhân vật hàng đầu trong Chính phủ của Tổng thống Barack Obama - đã lên tiếng bênh vực quyết định của Mỹ can dự vào Libya. Trả lời phỏng vấn trên chương trình “This Week” của kênh ABC, ông Gates nêu rõ Mỹ lo ngại cuộc khủng hoảng tại  Libya có nguy cơ lan ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia Bắc Phi này và “có thể gây đe dọa cho các cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập”! Ông Gates còn làm ra vẻ nhân đạo và không có ý đồ xâm lược một quốc gia có chủ quyền khi nhấn mạnh: “Như chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ, thay đổi chế độ là vấn đề vô cùng phức tạp, đôi khi mất một thời gian dài, cũng có khi nó có thể diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ là một phần trong sứ mệnh quân sự tại Libya“. Theo ông, cuộc xung đột hiện nay về cơ bản phải do chính những người  Libya tự giải quyết, có thể kết hợp với vai trò trung gian của LHQ!

Họ nói Mỹ đã hành động để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về mặt nhân đạo, nhằm tránh gây bất ổn cho Ai Cập và Tunisia, đồng thời tuyên bố rằng Washington đang có kế hoạch bắt đầu giảm lực lượng quân sự của mình tại  Libya.

Ngoại trưởng Hillary lẫn Bộ trưởng Gates đều nhấn mạnh những hành động của liên minh đã ngăn chặn được một vụ thảm sát mà nạn nhân là những người chống đối nhà lãnh đạo  Libya Moammar Gadhafi?!

Hai quan chức cao cấp này của Mỹ lưu ý rằng ông Gadhafi đe dọa sẽ đến gõ cửa từng nhà để trả thù những kẻ đã chống đối ông. Cả hai bộ trưởng đều nói rằng bạo động kéo dài tại Libya có thể đe dọa các cuộc cách mạng mới diễn ra tại Ai Cập và Tunisia, hai nước giáp ranh với  Libya.

Đáng chú ý, khi phát biểu trên chương trình “Face the Nation with Bob Schieffer” của kênh tin tức CBS ngày 27-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã loại trừ khả năng Washington can dự tại Sirya giống như cách Mỹ đang làm đối với Libya hiện nay, cho rằng mỗi cuộc nổi dậy trong thế giới Arab lại có đặc thù khác nhau.

Bà Hillary nói Mỹ lấy làm tiếc về tình trạng bạo lực tại Sirya nhưng tình huống này khác so với tại  Libya, nơi nhà lãnh đạo Gaddafi đã sử dụng không quân và xe bọc thép để chống lại dân thường. Khi được hỏi liệu có thể chờ đợi về một sự can thiệp của Mỹ vào Sirya như việc Mỹ và một số nước khác đang áp đặt vùng cấm bay đối với  Libya, Ngoại trưởng Hillary đã nói “không”. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, hoàn cảnh tại hai nước Bắc Phi này là khác nhau, trong đó tình hình bạo lực tại Sirya chưa đến mức như ở  Libya và cuộc trấn áp người biểu tình của chính quyền Damascus chưa dẫn tới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế hoặc khiến Liên đoàn Arab và một số nước kêu gọi thiết lập vùng cấm bay.

Sự biện hộ  đó chắc chắn không mấy ai tin. Vì trong thực tế, Nhà Trắng  và các đồng minh đã hành động trong một chiến lược tổng quát nhằm thiết lập lại vị trí của mình ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi giàu tài nguyên dầu mỏ, chứ không đơn thuần lo ngại thảm họa nhân đạo như họ rêu rao.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.