.

Hòa hợp dân tộc

Cuộc đấu tranh chính nghĩa, đầy hy sinh, gian khổ  của nhân dân Palestine để thành lập một Nhà nước độc lập cùng tồn tại bên  cạnh Nhà nước Do Thái suốt mấy chục năm qua luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và Chính phủ nhiều nước trên thế giới.
 
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là đang có sự phân hóa ngay trong nội bộ, nhất là sau cái chết đầy nghi vấn của nhà lãnh đạo Phong trào giải phóng dân tộc Palestine Yasser Arafat, làm cho sức mạnh của cuộc đấu tranh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là sự chia rẽ dẫn đến phân chia quyền kiểm soát  hai vùng lãnh thổ ở Dải Gaza và khu Bờ Tây giữa Phong trào Fatah của Tổng thống  Palestine Mahmoud Abbas và Phong trào Hồi giáo Hamas do Ismail Haneya lãnh đạo. Cộng đồng các nước Arab và nhất là Ai Cập đã nhiều lần đứng ra làm trung gian hoà giải giữa Fatah và Hamas, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Do vậy, mục tiêu mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng để tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập vẫn chưa thành hiện thực khi mà tiếng nói trên bàn đàm phán của các dân tộc Palestine còn phân hóa, không có một lực lượng chính trị thống nhất, lãnh thổ bị chia cắt…

Trong khi đó khát vọng hòa bình, xây dựng một Nhà nước  độc lập, có chủ quyền của các tầng lớp nhân dân Palestine là chính đáng và vô cùng cấp bách. Ngày 15-3, hàng chục nghìn người  Palestine xuống đường tuần hành ở trung tâm thành phố Gaza. Ông Ihab al-Ghussein, người phát ngôn Bộ Nội vụ của phong trào Hamas, cho biết: "Hàng chục nghìn người đã tụ tập tại Gaza và con số này còn có thể tăng thêm". Các nhà hoạt động tại Gaza và khu Bờ Tây sẽ phát động một ngày biểu tình quy mô lớn để kêu gọi sự đoàn kết giữa Hamas, phong trào Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza, và nhóm Fatah hiện cai quản khu Bờ Tây.

Phản ứng về diễn biến nói trên, Phong trào Fatah của Tổng thống  Palestine Mahmoud Abbas  cùng ngày  thông báo sẵn sàng gặp Phong trào Hồi giáo Hamas, đang nắm quyền tại Dải Gaza, để tuyên bố hòa giải dân tộc, sớm mở đường cho những cuộc đàm phán mới. Ông Janal Muhissen, thành viên Ủy ban trung ương của Fatah, cho biết: "Chúng tôi chấp nhận cuộc họp trên cơ sở đã được thảo luận, bao gồm cả việc ký thỏa thuận mà Ai Cập đã đưa ra và tổ chức các cuộc bầu cử". Ông Muhissen đưa ra tuyên bố này sau khi nhà lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza Ismail Haneya đề xuất tổ chức một cuộc họp ngay tức khắc với Tổng thống Mahmoud Abbas và Fatah để tiến hành đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa hai bên. Ông Muhissen cũng nhấn mạnh việc tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội là cách duy nhất để thực hiện hòa giải dân tộc.

Trong khi đó, Chính quyền Dân tộc  Palestine thông báo sẽ tổ chức cuộc bầu cử địa phương vào ngày 9-7 tới và các cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra chậm nhất là từ nay cho đến tháng 9 tới. Tổng thống Mahmoud Abbas  cũng đã đề xuất và nhấn mạnh  tổ chức các cuộc bầu cử "càng sớm càng tốt" nhằm chấm dứt tình trạng chia rẽ trong phong trào dân tộc  Palestine.

Dư luận quốc tế hy vọng rằng việc các phe phái trong phong trào giải phóng dân tộc Palestine - mà chủ yếu là Fatah và Hamas cam kết ngồi vào bàn đàm phán sớm tìm ra tiếng nói chung, đoàn kết các lực lượng để thúc đẩy cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bởi đó là con đường, là hướng đi  duy nhất và đúng đắn.       
 Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.