Cách đây không lâu, các nhà kinh tế cho rằng châu Á sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008 và có dấu hiệu phục hồi trở lại trong năm 2010. Tuy nhiên, những sự kiện xảy ra gần đây tại Trung Đông, Bắc Phi, và đặc biệt là cơn động đất và sóng thần vừa diễn ra tại Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế lớn của thế giới, thì các nhà quan sát cho rằng nó tác động xấu tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á và toàn cầu.
Nhật báo Wall Street của Mỹ, số ra ngày 14-3, cho rằng tình trạng khó khăn của kinh tế Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần cuối tuần qua sẽ lan tỏa ra khắp châu Á trong những tuần tới, làm xáo trộn thêm bức tranh kinh tế khu vực trong bối cảnh các nước đang phải vật lộn với giá dầu và lương thực tăng cao.
Theo báo Wall Street, dù nhìn chung kinh tế châu Á dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2011, nhưng đã chậm lại so với mức 9% của năm 2010 vì ngân hàng trung ương các nước sẽ nâng lãi suất và người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu để chống lạm phát. Đáng chú ý là thảm họa của Nhật Bản là một yếu tố góp phần thêm cho sự khó khăn, ít nhất trong ngắn hạn. Trận động đất đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhật Bản và có thể dẫn đến việc nhiều nhà máy không có điện ổn định trong những tuần tới, gây nguy hại cho các dây chuyền cung cấp của các nước xuất khẩu lớn nhất ở châu Á.
Các nhà kinh tế nói rằng thông tin tốt là việc Chính phủ Nhật Bản chi tiêu mạnh tay cho các dự án tái thiết với hàng trăm tỷ USD, có thể giúp phục hồi kinh tế nước này và điều đó có thể dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với một số sản phẩm của châu Á như gỗ và các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, bất kỳ sự phục hồi nào cũng không thể sớm diễn ra mà phải đợi đến nửa cuối của năm nay, trong một hai quý tới kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm mạnh.
Nhật Bản vẫn là một phần quan trọng của kinh tế khu vực và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất đối với một số khu vực của châu Á và nguồn tạo doanh thu du lịch quan trọng. Nhật Bản cũng là nguồn kiều hối chính đối với những nước như Philippines, nước có khoảng 200.000 công dân đang làm việc tại xứ Hoa anh đào. Nhật Bản cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của khu vực, mua nhiều quặng sắt, than đá, khí đốt và các nguyên liệu khác của Indonesia, Australia và nhiều nước khác. Do đó, thương mại giữa Nhật Bản và các nước châu Á khác có thể giảm mạnh trong ngắn hạn và cùng với các vấn đề khác như lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới của châu Á sẽ chậm lại.
Một vấn đề khác cũng tác động không kém là trước tình trạng vật giá leo thang, đặc biệt là lương thực và nhiên liệu, chính phủ nhiều nước châu Á đã áp dụng các biện pháp trợ giá cho người nghèo; tuy nhiên, theo giới chuyên gia, về lâu dài, chính sách này có nguy cơ làm cho lạm phát trở nên trầm trọng thêm. Các nền kinh tế châu Á đã kháng cự tốt và nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ và luồng vốn đầu tư của các nước phương Tây. Song, có hai yếu tố đã làm thay đổi tình hình. Trước tiên là vấn đề lương thực.
Do điều kiện khí hậu không thuận lợi, sản lượng lương thực của các nước sản xuất chính đã bị giảm sút đáng kể. Một số quốc gia ngừng hoặc giảm xuất khẩu. Hậu quả là tại châu Á, giá lương thực đã tăng vọt và đây là một thảm họa đối với tầng lớp dân nghèo. Tiếp đến, các biến động xã hội tại Trung Đông, Bắc Phi, đặc biệt là ở Libya, cùng với nạn đầu cơ, đã đẩy giá dầu thô lên cao đột ngột làm cho sản xuất và tiêu dùng gặp khó khăn vì giá năng lượng tăng cao.
Những nhân tố đó làm cho kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại.
NGUYÊN CHÂU