Luật chống rửa tiền và chống chu cấp tài chính cho khủng bố của Malaysia ra đời năm 2001. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, nhất là các thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm tìm mọi cách qua mặt. Nhưng Chính phủ Malaysia quyết không dừng bước, nhất là có sự nỗ lực của các cơ quan trong nước và sự hợp tác quốc tế để chống rửa tiền và tham nhũng đạt hiệu quả.
Chỉ tính trong năm 2010, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) tiến hành hàng chục chiến dịch và đã có 3.000 đối tượng bị khởi tố liên quan tới 94 vụ rửa tiền với số tiền thu về lên tới 1,2 tỷ ringgit (375 triệu USD). Một số đối tượng trong chiến dịch nói trên của Chính phủ Malaysia đã ra hầu tòa. Ví dụ, Zamri Mohamed Iderus, Giám đốc điều hành phụ trách các dự án quốc tế của Sime Darby (Malaysia), công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, bị Tòa án hình sự nước này truy tố về tội tham nhũng vì nhận hối lộ 99.000 ringgit (31.000 USD) của một thương gia để cung cấp thông tin về những dự án đấu thầu của Sime Darby. Cáo buộc này được đưa ra khi nhà chức trách tiến hành điều tra các khoản thua lỗ quá lớn của công ty do Nhà nước quản lý.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia kiêm Chủ tịch Ủy ban điều phối quốc gia chống rửa tiền của nước này, ông Zamani Abdul Ghani, từng cho biết, MACC và các cơ quan hữu quan đã bắt đầu thực hiện từng giai đoạn trong kế hoạch chiến lược quốc gia chống rửa tiền và chống khủng bố tài chính (AML/CFT), coi đó như một phần của sáng kiến nhằm giảm bớt tỷ lệ tội phạm, tham nhũng cũng như hoạt động ngân quỹ bất hợp pháp.
Tiếp tục mục tiêu nói trên, ngày 29-3, các quan chức MACC cho biết hai quan chức hải quan cấp cao nước này đã bị bắt giữ khi các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành khám xét bất ngờ hơn 100 công ty và thẩm vấn hàng chục cá nhân trong đợt trấn áp nạn rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp khác trên toàn quốc. Một lực lượng đặc nhiệm do MACC đứng đầu với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan khác đã bất ngờ khám xét cùng lúc 84 công ty chuyển tiếp hàng hóa, một công ty cổ phần và 24 trạm hải quan trên toàn quốc hôm 28-9.
Giám đốc điều tra MACC Mustafa Ali nói tại một cuộc họp báo ở Putrajaya rằng đã tìm thấy một lượng lớn tiền mặt tại nhà của hai vợ chồng quan chức nói trên. Đội đặc nhiệm cũng đã niêm phong 150 tài khoản ngân hàng liên quan tới những thực thể kể trên theo Luật chống rửa tiền và chống chu cấp tài chính cho khủng bố năm 2001. Đây là một trong những chiến dịch phối hợp lớn nhất giữa các cơ quan thực thi luật pháp, trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước Malaysia. Theo ông Mustafa Ali, những thực thể nói trên được cho là gian lận, trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền, trong đó hàng tỷ ringgit đã được chuyển bất hợp pháp vào một ngân quỹ ở nước ngoài. Những hành động phạm pháp này đã gây thất thoát nhiều tỷ ringgit doanh thu của Chính phủ, đồng thời là mối đe dọa nguy hiểm đối với nền kinh tế cũng như an ninh và thanh danh của đất nước. Ông Mustafa không cho biết cụ thể số tiền bị thu là bao nhiêu mà chỉ nói đó là một khoản tiền thực sự lớn.
Việc Malaysia tấn công mạnh vào loại tội phạm này cho thấy quyết tâm của chính quyền Thủ tướng Najib Razak, muốn làm trong sạch bộ máy không chỉ quan chức ở các cơ quan công quyền mà cả doanh nhân ở các doanh nghiệp, nhất là các thể chế tài chính thường sử dụng các giao dịch bất hợp pháp để tham nhũng, trục lợi, thao túng các hợp đồng gây phương hại tới lợi ích quốc gia.
Nguyên Châu