.

Quyền lợi là trên hết

Vậy là sau những tuyên bố mang vẻ chính trị và đầy hăm dọa, cuối cùng  Mỹ-Anh-Pháp và các đồng minh đã mở cuộc  tấn công bằng không quân và tên lửa từ các hạm đội vào Libya vào ngày 19-3 , dưới danh nghĩa thực hiện Nghị quyết của HĐBA LHQ để bảo vệ thường dân nước này bị quân đội trung thành của nhà lãnh đạo Gaddafi tấn công?!

Thực hư của việc quân đội Libya  tấn công giết hại thường dân ở mức nào và ra sao thì cho đến nay vẫn chưa có kênh độc lập nào xác nhận. Nhưng điều ai cũng thấy là để chống lại những người biểu tình đòi lật đổ chính phủ, lực lượng an ninh và quân đội Libya đã tấn công vào phe nổi dậy. Các cuộc xung đột  giữa hai lực lượng này đã gây không ít thương vong cho thường dân.

Nhưng một câu hỏi lớn được dư luận quốc tế đặt ra là vì sao Mỹ-Anh-Pháp và các đồng minh lại đặc biệt quan tâm đến thường dân Libya đến vậy? Trong khi đó, tại Ai Cập, Yemen và Bahrain... lực lượng an ninh và quân đội gây ra nhiều cái chết cho thường dân đến vậy, nhưng cho đến nay chỉ bị Mỹ-Anh-Pháp và các đồng minh phản đối bằng lời nói chứ không phải bằng hành động cấm vận hay tấn công vũ trang như Libya?

Cộng đồng quốc tế đều rõ, khi cuộc nổi dậy đã lan ra khỏi Bắc Phi với Bahrain và Saudi Arabia, Washington đã tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước. Với Mỹ-Anh-Pháp , sự ổn định của các chính quyền thân phương Tây tại các quốc gia giàu dầu mỏ hiện nay dường như quan trọng hơn là hy vọng về các phong trào phản kháng. Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ-Anh-Pháp trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Mỹ-Anh-Pháp phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Mỹ-Anh-Pháp rất sợ rằng nếu ông Saleh ra đi, Yemen sẽ sụp đổ. Đó cũng đồng nghĩa với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh Al-Qaeda Bắc Phi ngày càng lớn mạnh. Mỹ-Anh-Pháp đã lên án vụ bạo lực mới nhất tại Yemen, là vụ khiến cho ít nhất 30 người biểu tình thiệt mạng, nhưng làm theo kiểu Libya, đòi Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ra đi thì không. Bahrain, nơi Mỹ có căn cứ hải quân lớn. Nếu làm xáo trộn quốc gia này thì Mỹ và các đồng minh bị bất lợi.

Trong khi đó, Libya là quốc gia giàu dầu mỏ. Sản lượng cung cấp cho các nước châu Âu và Mỹ là rất lớn. Chất lượng dầu mỏ của Libya cũng tốt, rất thuận lợi cho việc chế biến. Nhưng Gaddafi là nhà lãnh đạo không dễ dàng gì bị bắt nạt, thậm chí ông ta còn là cái gai trong mắt Mỹ và phương Tây suốt mấy chục năm qua. Mặt khác, Libya cũng không có căn cứ quân sự của Mỹ và phương Tây.

Vậy điều gì làm cho Mỹ-Anh-Pháp và các đồng minh nhanh chóng tìm kiếm công cụ pháp lý từ LHQ và mở cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa từ tàu chiến vào Libya ngay sau khi HĐBA ra nghị quyết thiết lập vùng cấm bay?  Bà Marina Ottaway, giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington đưa ra một nhận định khá lý thú: “Mỹ và phương Tây luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo“ và nhấn mạnh: “Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ và phương Tây luôn là trên hết“.

Đây là cái cốt lõi, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân để dẫn đến các cuộc can thiệp bằng chính trị, kinh tế và quân sự mà Mỹ-Anh-Pháp  đã và đang hành động. Chỉ có điều cuộc không chiến nhằm vào Libya mang danh bảo vệ thường dân, bảo vệ dân chủ, nhân quyền diễn ra hơi chậm là vì Washington, Paris, London không muốn mạo hiểm để tái diễn một Iraq, Afghanistan, mà toan tính những bước đi khôn ngoan hơn mà thôi. Bởi một sự thật được phơi bày là các cuộc không kích đó của Mỹ-Anh-Pháp  và các đồng minh đã làm cho hàng trăm thường dân chết và bị thương thì hành động mà họ mang  danh phỏng có giá trị gì đâu.

Thế mới biết cái lý của kẻ mạnh là như thế nào!

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.