.

Sóng gió chờ Obama

Tổng thống Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du Mỹ Latinh, trở về nước với “cơn bão chỉ trích” đang chờ đón ông về việc Washington đối phó với khủng hoảng ở Libya và lời kêu gọi giải thích rõ ràng về chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này.

5 ngày ở Mỹ Latinh, Tổng thống Obama đã khẳng định mục tiêu của sứ mệnh quân sự theo Nghị quyết của Liên Hợp Quốc là ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo tại Libya. Theo ông, điều quan trọng của sứ mệnh này là không để nhà lãnh đạo Gaddafi dùng quân đội tấn công lực lượng nổi dậy và dân thường.

Tất nhiên, đó là cách nói của ông Obama cùng lãnh đạo các nước tham chiến. Còn sự thật như thế nào vẫn chưa được chứng minh. Tháng 3-2003, khi phát động chiến tranh Iraq, người tiền nhiệm của ông Obama - Tổng thống G.W.Bush lúc đó đã vấp phải phản đối dữ dội của dư luận cả trong nước và quốc tế. Và lần này vết xe đó đang được lặp lại, nhưng không phải ở quốc gia Vùng Vịnh mà ở xứ sở Bắc Phi.  

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, mục tiêu của Chính phủ Mỹ là ông Gaddafi phải sớm rời bỏ quyền lực. Tuy nhiên, khi điều này còn chưa xảy ra thì Tổng thống Obama phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích ngay tại Quốc hội, từ phía Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Trên bàn nghị sự chào đón Tổng thống Obama trở về là những câu hỏi về chi phí và mục đích thật sự của cuộc chiến Libya. Phải chăng bàn tay của ông Obama vươn đến Libya đơn thuần là thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc? Các nghị sĩ cũng bày tỏ sự thất vọng rằng, ông đã không tham vấn cơ quan lập pháp này trước khi tiến hành không kích Libya. Phe Cộng hòa kêu gọi rút ngay lực lượng Mỹ về nước và nhấn mạnh rằng, ông Obama đã thất bại khi không giành được sự ủng hộ của người dân cho hoạt động quân sự này. Đó là chưa kể đến những chỉ trích trên khắp châu Phi và Trung Đông. Đồng thời, người Mỹ lại muốn nhà lãnh đạo của mình thúc đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế, chứ không phải đổ tiền và sinh mạng vào một cuộc chiến. Các nghị sĩ và người dân Mỹ dường như đang lo ngại rằng, một lần nữa họ sẽ bị mắc kẹt lại ở Libya thời hậu chiến, như câu chuyện tái thiết Iraq.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.