Tình hình của thế giới trong vài năm trở lại đây có những chuyển biến mau lẹ. Khi Mỹ không còn là cường quốc kinh tế, quốc phòng duy nhất của thế giới, các nước phương Tây đang chịu những tác động mạnh mẽ suy thoái kinh tế, và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… có vị trí nhất định trên trường quốc tế, thì dường như cũng gắn với sự thay đổi về chiến lược quân sự để tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Hay nói cách khác, sự phân bố lại cán cân quyền lực đang diễn ra từ phương Tây nghiêng về phía các nước có thị trường mới nổi đang bắt đầu ảnh hưởng thực sự đến lĩnh vực quốc phòng.
Trong báo cáo thường niên về “Cán cân quân sự năm 2011” của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London vừa được công bố, nêu bật sự thay đổi về chiến lược quân sự của thế giới. Báo cáo lưu ý rằng vì hạn chế về ngân sách, quân đội các cường quốc hàng đầu của phương Tây buộc phải cắt giảm các chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình. Ngoài ra, nền công nghiệp quốc phòng của các nước phương Tây mà cho đến gần đây hầu như không có cạnh tranh trong thị trường toàn cầu cũng đang đối mặt với những thách thức mới. Nhiều loại vũ khí xuất khẩu đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất ở Brazil, Trung Quốc, Nga, Singapore, Nam Phi và Hàn Quốc…
Ví dụ mới đây, hàng chục tướng lĩnh, chính trị gia và học giả có uy tín của Anh gửi thư kêu gọi Thủ tướng David Cameron xem xét lại Chính sách Quốc phòng và An ninh chiến lược (SDSR) của nước này, chưa đầy 5 tháng sau khi được công bố. Trong số 50 nhân vật đồng ký tên trong bức thư, bao gồm cả đại diện cho các gia đình có quân nhân đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài, có cựu Đô đốc Hải quân John Woodward - một trong những tướng lĩnh quân đội có uy tín nhất ở Anh. Ngoài ra còn có Alan West - cựu Đô đốc Hải quân, Đại tá Julian Thompson - cựu tư lệnh Hải quân Hoàng gia, Brenda Dean - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện. Bức thư cho rằng chính sách quốc phòng của Anh có khiếm khuyết, khiến Anh có thể phải trả giá bằng nhiều sinh mạng ngoài chiến tuyến. Họ cho rằng SDSR có sự tham mưu yếu kém, tầm nhìn hạn chế và chịu sức ép cắt giảm chi tiêu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh đang có những biến động về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi.
Một điểm đáng chú ý khác, như Thượng nghị sĩ John McCain, nhân vật cao cấp nhất của Đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ ngày 8-3 đã nhấn mạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc quân sự có thể không nhất thiết châm ngòi cho các cuộc xung đột, nhưng sẽ đòi hỏi Mỹ và Australia phải hợp tác để kiềm chế “người khổng lồ” châu Á này. Phát biểu với các phóng viên khi xuất hiện cùng với Thủ tướng Australia Julia Gillard đang ở thăm Mỹ, ông McCain nói: “Tôi không dự đoán về bất kỳ cuộc xung đột nào, song tôi cho rằng cách tốt nhất để ngăn chặn điều đó là Mỹ và Australia phải khẳng định những nguyên tắc cơ bản mà tất cả các nước phải cam kết tôn trọng. Mỹ và Australia phải bảo đảm rằng những vấn đề cơ bản phải được tôn trọng như quyền tự do đi lại tại các vùng biển hiện đang bị người Trung Quốc giám sát. Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Trung Quốc là “cường quốc đang trỗi dậy và là một cường quốc quân sự” đã hành động “rất quyết đoán tại khu vực”, vốn đang tồn tại những tranh chấp lãnh thổ.
NGUYÊN CHÂU