.

Thay tướng

Giấc mơ xích lại với thế giới Hồi giáo và kiến tạo một nền hòa bình bền vững ở khu vực Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama xem ra còn rất xa vời, nếu không nói là không hiện thực, khi mà tình hình Trung Đông và Bắc Phi đang có những biến chuyển phức tạp và mau lẹ. Mỹ và các đồng minh trong khối NATO đang tính toán để  biến những cuộc “cách mạng” trên đường phố xảy ra ở hàng loạt nước Trung Đông và Bắc Phi thành cơ hội vàng cho sự can thiệp sâu hơn để củng cố vai trò lãnh đạo của Washington tại khu vực này.

Một trong những toan tính đó là  Mỹ đang tích cực chuẩn bị  mọi điều kiện cho việc can thiệp quân sự. Ngoài việc phái tàu chiến, đưa quân tiếp cận  vùng biển các nước có bạo loạn, Mỹ cũng tiến hành thay tướng chỉ huy. Đại tướng William Ward đã bàn giao chức vụ đứng đầu Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Châu Phi (Africom) hôm ngày 9-3 tại thành phố Stuttgart của Đức, nơi Africom đặt bản doanh. Africom có nhiệm vụ giám sát tất cả hoạt động quân sự của Mỹ tại Châu Phi, ngoại trừ Ai Cập. Không giống như các bộ tư lệnh khác, Africom không có quân số thường trực. Khi xảy ra vụ việc, Africom sẽ mượn quân của những bộ tư lệnh khác. Africom có khoảng 2.000 người, một nửa là dân sự, và chỉ có 100 người thực sự đóng thường trực tại các quốc gia Châu Phi.

Trong những tuần vừa qua, các đơn vị thuộc Africom đã giúp di tản người nước ngoài ra khỏi Libya và chuyển giao hàng viện trợ nhân đạo cho người tỵ nạn Tunisia. Africom cũng đã chuẩn bị cho “toàn bộ những chọn lựa” trong trường hợp Tổng thống Barack Obama ra lệnh can thiệp quân sự tại  Libya. Đại tướng Ward nói những công việc thường lệ của binh sĩ Mỹ tại Châu Phi là thuyết phục các nước ở châu lục này rằng việc lập ra Africom không phải là mối đe dọa cho họ?!  Ngược lại, chính sách “giao tiếp lâu dài” với các nước Châu Phi đã chứng tỏ có lợi trong những tuần vừa qua. Tướng Ward  nói: ‘’Không có bằng chứng nào hiển nhiên hơn những gì đang xảy ra tại Bắc Phi.
 
Ở những nước Mỹ có giao tiếp lâu dài, chúng ta thấy quân đội nước đó xử sự theo cách đóng góp vào ổn định cho xã hội ở đó, thay vì không đóng góp gì. Ở những nước Mỹ không có giao tiếp lâu dài, chúng ta thấy quân đội nước đó đóng góp thêm cho bất ổn”. Ý tướng Ward  muốn ám chỉ Ai Cập, nước có quân đội rất gần gũi với Mỹ đã hành động kiềm chế và tạo thuận lợi cho một chính quyền chuyển tiếp, trái với  Libya, nơi quân đội cắt đứt quan hệ với Mỹ từ lâu, nên đã xảy ra chia rẽ.

Cũng tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói tướng Ward và binh sĩ của ông đã chứng tỏ việc lập Africom không dẫn đến thêm hoạt động quân sự của Mỹ tại Châu Phi và cũng không dẫn đến chuyện quân sự hóa chính sách của Mỹ tại châu Phi. Tân tư lệnh Africom, đại tướng Carter Ham, tuyên bố sẽ tiếp tục con đường của người tiền nhiệm: “Tôi tin rằng Mỹ thành công nhất, khi giúp tìm ra các giải pháp châu Phi cho những vấn đề an ninh của châu Phi. Và tôi biết rằng chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức”.

Theo các nhà quan sát, các tuyên bố nói trên  chỉ mang tính chính trị, còn trên thực tế Africom là trung tâm chỉ huy quân sự mạnh nhằm giám sát hoạt động quân đội các nước trong khu vực và Africom sẽ nhanh chóng trở thành Bộ chỉ huy tiền phương của Mỹ khi ông chủ Nhà Trắng quyết định can thiệp vào Libya hay một quốc gia nào đó. Cho nên, việc Washington thay tướng chỉ huy Africom cũng là bước chuẩn bị kỹ càng cho một kế hoạch can thiệp quân sự đầy phiêu lưu của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà thôi.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.