.

Thị thực nhập cảnh duy nhất cho du khách

Ngay từ khi quyết định gắn kết với nhau, các nước khu vực đã nói tới mục tiêu “tăng cường nền tảng cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng” trong Tuyên bố Bangkok, thành lập ASEAN năm 1967.
 
Ý tưởng “Cộng đồng ASEAN” được chính thức hóa tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 tháng 10-2003, khi các lãnh đạo Hiệp hội ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II), khẳng định Cộng đồng ASEAN được xây dựng trên ba trụ cột là hợp tác chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa-xã hội. Trong quá trình phát triển hơn 40 năm qua của ASEAN, cụm từ “cộng đồng các Quốc gia Đông Nam Á” liên tục được nhắc đến trong nhiều văn kiện quan trọng, và ngày càng được cụ thể hóa về nội dung.

Cộng đồng mà ASEAN hướng tới là “Cộng đồng ASEAN” không những chung sống hòa bình mà còn “đùm bọc và chia sẻ”, đoàn kết vì “một tầm nhìn, một bản sắc” và gắn bó với nhau không chỉ bởi “vị trí địa lý” mà còn bởi “mục tiêu và vận mệnh chung”. Cộng đồng ASEAN không còn coi “sự đa dạng phong phú” của các nước thành viên là một thực tế phải chấp nhận mà quyết tâm “chuyển sự đa dạng về văn hóa và sự khác biệt của ASEAN thành thịnh vượng và các cơ hội phát triển công bằng trong một môi trường đoàn kết, tự cường khu vực và hòa hợp”. Như vậy, mục tiêu mà ASEAN đang hướng tới là một gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển…

Về văn hóa - xã hội, mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung ASEAN. Kế hoạch tổng thể mà các nhà lãnh đạo ASEAN đề ra chủ yếu tập trung vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự đa dạng về văn hóa, lịch sử, thể chế… của các quốc gia ASEAN. Các chương trình hợp tác và liên kết đã tạo điều kiện để các quốc gia thành viên, công dân trong ASEAN hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc, là nhân tố  thuận lợi căn bản cho việc xây dựng liên kết văn hóa - xã hội ASEAN. Hơn thế , nó còn thúc đẩy để quảng bá hình ảnh ASEAN với bạn bè quốc tế.

Để thúc đẩy mục tiêu này,  ngoài các vấn đề khác, ASEAN  chú trọng thúc đẩy giao lưu văn hóa,  tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân các nước đi du lịch trong khu vực. Trong năm 2009, ASEAN đã đón tiếp 65 triệu lượt du khách nước ngoài.  Năm 2010 số khách du lịch đến ASEAN tăng lên đáng kể. Đông Nam Á là một trong những khu vực có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Đền thờ Angkor của Campuchia, bãi biển Phuket của Thái Lan, khu nghỉ mát Bali của Indonesia, Vịnh Hạ Long của Việt Nam... rất hấp dẫn du khách.

Do vậy, ASEAN đang chuẩn bị kế hoạch mở cửa khu vực để phát triển du lịch và một trong những biện pháp được thảo luận là cấp thị thực du lịch duy nhất, theo mô hình cấp thị thực du lịch của liên minh Châu Âu (EU). Ông Eddy Krisneidi, thuộc Ban thư ký ASEAN, cho biết là theo kế hoạch này, du khách có thể xin thị thực nhập cảnh một nước ASEAN, sau đó, có thể đi đến tất cả các nước khác trong khối này.

Theo các chuyên gia, việc cấp thị thực du lịch duy nhất này sẽ giúp tăng mạnh số lượng du khách nước ngoài tới các nước Đông Nam Á trong một tương lai gần. Vì nó không còn tạo ra rào cản cho du khách các nước trong và ngoài ASEAN khi có quá nhiều lần xin thị thực đi lại một quốc gia nào đó trong khu vực.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.