.

Tiền lệ nguy hiểm

Được lập vào năm 1981, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Ba Tư (GCC)  bao gồm các quốc gia Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab  thống nhất (UEA) . Thỏa thuận thống nhất kinh tế giữa các nước thành viên của GCC đã được ký kết vào ngày 11 tháng 11 năm 1981 tại Abu Dhabi. Không phải tất cả các nước láng giềng vùng Vịnh Ba Tư đều là thành viên của GCC ; Iran và Iraq hiện vẫn nằm ngoài tổ chức này, mặc dù cả hai quốc gia có bờ biển bên vùng vịnh. Iran không phải là một nhà nước Arab . Tư cách thành viên phụ của Iraq đã bị ngưng sau khi nước này tiến hành cuộc xâm lược Kuwait.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống chính phủ, xung đột tôn giáo giữa người Hồi giáo Sunni với người Shiite xảy ra tại Bahrain từ ngày 14-2 tới nay đã làm cho quốc gia này đứng trước nguy cơ tan rã. Trước diễn biến nói trên, ngày 14-3 Saudi Arabia đã triển khai hơn 1.000 binh sĩ tới Bahrain, trong khi UAE gửi 500 cảnh sát và Kuwait cùng Qatar cũng tuyên bố có ý định gửi một lực lượng chưa xác định tới Bahrain với danh nghĩa GCC để giúp duy trì an ninh của đất nước này, song bị các nhà hoạt động nhân quyền lên án. Có tin, khi được quân đội các nước thành viên của GCC hỗ trợ, lực lượng an ninh Bahrain đã tiến hành một chiến dịch đàn áp đẫm máu nhằm vào người biểu tình, làm cho hàng trăm người chết , bị thương và bị bắt giam.
 
Thủ lĩnh nhóm đối lập Wefaq lớn nhất ở Bahrain, ông Ali Salman trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera qua điện thoại, nói: “Quân đội  Saudi Arabia cần rút khỏi Bahrain, đây là lời kêu gọi dành cho Quốc vương Abdullah. Chúng tôi kêu gọi LHQ tiến hành một cuộc điều tra về những gì đã diễn ra tại Bahrain kể từ ngày 14-2 tới nay. Nếu người biểu tình sai, họ sẽ phải trả giá”. Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Navi Pillay cho biết đã xảy ra điều mà bà gọi là sự chiếm đóng của quân đội tại các bệnh viện ở Bahrain, một chiến thuật bà mô tả là “gây chấn động và bất hợp pháp”. Cũng theo bà Pillay, LHQ đã nhận được tin về những vụ bắt giữ tùy tiện, giết chóc và đánh đập mà nạn nhân là những người biểu tình và nhân viên y tế. Còn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Bahrain yêu cầu nước này kiềm chế và tôn trọng nhân quyền nhiều hơn.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình CBS ngày 16-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố các quốc gia Arab Vùng Vịnh đang đi “sai đường” trong việc gửi quân đến Bahrain để giúp dẹp yên làn sóng bạo loạn chính trị?! Bà Hillary cho biết Mỹ đã nói rõ với GCC rằng không có giải pháp an ninh cho vấn đề này mà phải giải quyết thông qua thương lượng. Bà cho rằng các nước GCC  “đã gửi quân đến để hỗ trợ Chính phủ Bahrain nhưng họ đang đi sai đường”. Các nhà quan sát cho rằng phát biểu đó của  bà Hillary là không mấy thuyết phục khi chính Mỹ không kích Libya.

Ngày 22-3, Hội đồng cấp đại biểu thường trực của Liên đoàn  Arab (AL) đã lên tiếng  xác nhận tính hợp pháp của các lực lượng “Lá chắn Bán đảo” của GCC tại Bahrain. Cùng ngày, sau một cuộc họp tham vấn khẩn cấp, GCC đã ra thông báo khẳng định việc gửi quân tới Bahrain phù hợp với những hiệp định an ninh và quốc phòng được ký kết giữa các nước vùng Vịnh để bảo vệ những cơ sở trọng yếu tại vương quốc này. GCC nhấn mạnh rằng tổ chức này hoàn toàn bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Bahrain, đồng thời nhắc lại tính đồng nhất Hồi giáo  Arab của quốc gia này. GCC cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Bahrain tổ chức đối thoại quốc gia vô điều kiện có tính xây dựng như hoàng thân Bahrain đã đề nghị trước đó, nhấn mạnh rằng đối thoại sẽ khôi phục ổn định tại quốc gia này và đạt được cải cách cần thiết.

Cuộc động binh lần đầu tiên của GCC đã có những phản ứng khác nhau và liệu hành động đó có giải quyết được vấn đề căn bản tại Bahrain hay không? Mặt khác, trong bối cảnh diễn ra làn sóng biểu tình chống chính phủ vừa tràn qua Bắc Phi và Trung Đông và có dấu hiệu  nhân bản tại các nước ở châu Phi cận Sahara thì có tạo ra tiền lệ nguy hiểm? Vì cùng với động thái nói trên của GCC, Mỹ -Anh-Pháp và các đồng minh đang tấn công bằng không quân nhằm vào  Libya cũng với danh nghĩa như vậy có mở đường cho các hành động đưa quân đội trực tiếp can thiệp? Đáng chú ý ngày 22-3, khi phát biểu tại London, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng bóng gió rằng hành động quân sự của quốc tế chống lại nhà lãnh đạo Libya Gaddafi sẽ được nhân bản ở những nước khác. William Hague  nói: “Cũng giống như Gaddafi là một vật cản đối với phát triển hòa bình ở Libya, một số người khác cũng đang cản trở con đường hướng tới tương lai sáng lạn hơn ở nước họ”.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.