.

Vai trò hòa giải của Indonesia

Sau khi ASEAN thống nhất và được cả hai nước Thái Lan - Campuchia chấp thuận, Indonesia với cương vị là Chủ tịch luân phiên, giữ vai trò trung gian giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước tại ngôi đền cổ Preah Vihear.

Tuy nhiên, tuần trước Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Prayut Chan-O-Cha nói rằng Thái Lan thấy không cần bên thứ ba tham gia vào việc giải quyết tranh chấp với Campuchia. Đồng thời tùy viên quân sự Thái Lan đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, trong đó đề nghị tổ chức cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban biên giới chung Thái Lan - Campuchia (GBC) tại Campuchia hoặc Thái Lan thay vì ở Bogor (Indonesia) vào các ngày 7 và 8-4 tới với sự chứng kiến của đại diện Indonesia.

Ngay lập tức,  trong phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của 2.562 sinh viên Học viện kỹ thuật quốc gia Campuchia ngày 28-3 ,Thủ tướng Hun Sen nói: “Tôi muốn thông báo một cách chắc chắn rằng sẽ không có bất kỳ một cuộc gặp nào tại Campuchia hay Thái Lan để bàn về cuộc xung đột biên giới giữa hai nước, cuộc gặp đó cần phải được tiến hành tại nước thứ ba. Campuchia đã sẵn sàng cho các cuộc gặp ở Bogor mặc dù Quốc hội Thái Lan không thông qua vào phút cuối cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp phân định biên giới trên đất liền Campuchia - Thái Lan (JBC). Thái Lan đi hay không là vấn đề nội bộ của họ”. Bên cạnh đó, ông Hun Sen còn cho biết thêm Campuchia sẽ nêu vấn đề xung đột biên giới với Thái Lan gần ngôi đền cổ Preah Vihear tại hội nghị cấp cao của ASEAN diễn ra vào 2 ngày 7 và 8-5 trong trường hợp Thái Lan từ chối tiến hành đàm phán với Campuchia với vai trò trung gian của Indonesia.

Trong một động thái khá bất ngờ, hôm qua ngày 29-3, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Tướng Prawit Wongsuwon, lại đồng ý tham dự cuộc họp Ủy ban biên giới chung với Campuchia tại Indonesia  nhưng với điều kiện nước chủ nhà không được trực tiếp tham gia cuộc thảo luận.

Đề cập vai trò của Indonesia, tờ Jakarta Post số ra ngày 28-3 dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định Jakarta tin rằng Thái Lan và Campuchia vẫn cam kết sẽ giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước tại ngôi đền cổ Preah Vihear, trong đó Indonesia giữ vai trò trung gian, ông Marty cho biết đến nay không có thông tin chính thức nào từ phía chính phủ Thái Lan cho thấy họ thay đổi lập trường. Trái lại, cả bằng văn bản cũng như những thông tin không chính thức, hai nước Thái Lan và Campuchia vẫn cho rằng Indonesia, trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN, sẽ tiếp tục phát huy vai trò hòa giải của mình. Ông Marty còn khẳng định không phải Indonesia mà chính hai nước tranh chấp đã đưa ra đề xuất này. Ông Marty cũng nhấn mạnh, kể từ khi có sự can dự của Indonesia, căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia đã dịu và tình hình tại khu vực tranh chấp đã ổn định hơn. Indonesia cũng đề nghị triệu tập các cuộc họp của GBC và JBC vào ngày 24 và 25-3 tại Bogor, song tới nay đã phải hoãn tới ngày 7 và 8-4.

Theo kế hoạch, Tướng Prawit và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sẽ đồng chủ trì cuộc họp. Vấn đề mấu chốt của cuộc thảo luận giữa hai bộ trưởng là việc ASEAN cử các quan sát viên Indonesia tới khu vực biên giới hai nước đang tranh chấp gần đền Preah Vihear, nơi đã nổ ra một loạt các vụ giao tranh hồi tháng 2 vừa qua.

Dư luận trong khu vực tin rằng Indonesia sẽ làm tốt vai trò trung gian hòa giải của mình để hai quốc gia láng giềng Thái Lan - Campuchia chấm dứt tranh chấp, cùng chung sống hoà bình.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.