Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã được tổ chức từ ngày 10 đến 11-4 tại Bangkok, Thái Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị này, với chủ đề chính là định hướng tương lai của tiến trình Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sau khi mở rộng cho Nga, Mỹ tham gia.
Tại hội nghị, các Ngoại trưởng ASEAN đều nhất trí việc quyết định mời Nga, Mỹ tham gia EAS có tầm quan trọng chiến lược, mang lại cho EAS một tầm vóc mới, đóng góp nhiều hơn vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Để duy trì vai trò trung tâm và lợi ích của mình trong tiến trình EAS, ASEAN cần kiên trì các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức của EAS như đã nêu trong Tuyên bố Cuala- Lămpơ về EAS năm 2005 và Tuyên bố Hà Nội năm 2010. Các ngoại trưởng nhấn mạnh EAS là diễn đàn của các nhà lãnh đạo để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chiến lược, chính trị, an ninh và phát triển kinh tế, và ASEAN phải bảo đảm được vai trò chủ đạo trong tiến trình này. Các ngoại trưởng cũng dành thời gian trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực nổi bật trong thời gian qua.
Trong cuộc họp báo ngày 11-4, Ngoại trưởng Indonesia Marty M. Natalegawa - nước hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN - nói rằng Hội nghị ngoại trưởng ASEAN không chính thức đặc biệt về Hội nghị cấp cao Đông Á tại thủ đô Bangkok của Thái Lan thảo luận nhiều vấn đề chiến lược liên quan đến ASEAN, đồng thời trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận về tương lai của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sau khi EAS được mở rộng để bao gồm cả Nga và Mỹ, trong bối cảnh kế hoạch mở rộng đó có thể sẽ tác động tới cấu trúc đang phát triển trong khu vực. Ngoài ra hội nghị cũng thảo luận về cách thức làm thế nào để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, khả năng EAS được vận dụng như là một diễn đàn hàng đầu nhằm nâng cao vị thế cũng như sự đóng góp của ASEAN trong các diễn đàn quốc tế và đảm bảo EAS có thể ứng phó với những thách thức hiện nay và đang phát sinh. Vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải cũng được đề cập.
Ngoại trưởng Marty nhấn mạnh điều quan trọng là ASEAN cần giữ vai trò hàng đầu trong việc xây dựng và vạch ra kế hoạch nhằm ứng phó với những thách thức truyền thống và phi truyền thống, có sáng kiến để không bị tổn thương trước những chiều hướng hay biến đổi về địa chính trị. Cách tốt nhất mà ASEAN cần can dự và phấn đấu để tác động đến “dòng chảy của các sự kiện” nhằm biến thách thức thành cơ hội, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh. Ngoại trưởng Marty đặc biệt lưu ý rằng điều quan trọng là xây dựng dựa trên sự hợp tác, vị thế hiện hành của ASEAN trong những vấn đề trên, cũng như sự hợp tác ASEAN với các nước tham gia EAS.
Trong khi đó,Trung Quốc và các nước ASEAN đã kiến nghị các thành phố dọc tuyến “Hành lang Nam Ninh - Singapore“ cùng thúc đẩy kinh tế, nghiên cứu để xây dựng cơ chế hợp tác thương mại của các thành phố cửa khẩu dọc tuyến Hành lang này.
Các nhà phân tích cho rằng Hành lang nói trên là dự án hợp tác kinh tế khu vực quan trọng nhất giữa Trung Quốc và ASEAN, việc khai thác và xây dựng Hành lang này sẽ cải thiện to lớn điều kiện giao thông vận tải của khu vực, thúc đẩy sự giao lưu, hợp và phát triển kinh tế, công nghệ của các nước và vùng lãnh thổ chạy dọc theo Hành lang.
Việc ASEAN mở rộng diễn đàn hợp tác, phấn đấu trở thành một trung tâm của dòng chảy các sự kiện, và biến những thách thức thành cơ hội cho sự hợp tác và phát triển trên nền tảng của những thành quả đã đạt được là mục tiêu hiện thực, được dư luận trong khu vực và quốc tế quan tâm.
NGUYÊN CHÂU