.

Cần tiếng nói chung

Hàng loạt vấn đề “nóng” được đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh 5 nền kinh tế đang nổi, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (gọi tắt là BRICS), vào ngày 14-4 ở thành phố Sanya thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc. Trong đó, nổi bật nhất là mối quan tâm chung đến sự phát triển, tài chính và hợp tác toàn cầu.

Năm quốc gia chiếm 18% GDP của thế giới vào năm 2010 đã bày tỏ quan ngại về những rủi ro trong việc phục hồi toàn cầu sau khủng hoảng tài chính cũng như nguy cơ phát sinh dòng tiền tệ lớn xuyên biên giới. BRICS cho rằng, quá nhiều biến động trong giá cả hàng hóa, nhất là với thực phẩm và năng lượng do thảm họa hạt nhân Nhật Bản và chiến tranh Libya, đặt ra những nguy cơ mới cho sự phục hồi kinh tế thế giới. Nhiều thành viên trong khối BRICS cũng đang đối mặt với lạm phát cao. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh lương thực, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phối hợp với nhau để tăng sản lượng hàng hóa nói chung, chứ không riêng lương thực.

BRICS có những bước đi tích cực trong quan hệ với các nước đang phát triển. Việc mở rộng thị trường của BRICS đặc biệt mang lại lợi ích cho châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á bởi giúp các nước đối tác có thể gia tăng hàng xuất khẩu và tạo ra việc làm. Ngược lại, BRICS tận dụng được sự phát triển nhanh chóng của những thị trường này để nâng cao tăng trưởng và xuất khẩu. 

Chuyên gia kinh tế Jim O’Neill của Tập đoàn Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) từng đánh giá cao về ảnh hưởng của 4 nền kinh tế đang nổi trong khối BRIC. Nam Phi được mời gia nhập vào năm ngoái và tạo thành BRICS. 

Với dân số hơn 3 tỷ người, BRICS chiếm khoảng 43% dân số của thế giới. Dự báo đến năm 2015, tổng GDP của nhóm 5 nước này sẽ chiếm 23% GDP toàn cầu, và đến năm 2020 là 31%. 

BRICS ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì thế, đây là dịp để khối đánh giá toàn diện về tiềm năng và nguy cơ hiện tại và tương lai. Việc BRICS có chung tiếng nói và đáp ứng các mục tiêu phát triển chung sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của 5 nền kinh tế đang nổi nếu họ muốn tạo vị thế trong một trật tự thế giới mới.

VĨNH AN 
;
.
.
.
.
.