Tình hình chính trị thế giới đang có những thay đổi đáng chú ý. Trong khi chính quyền Mỹ do Tổng thống Barack Obama lãnh đạo đang tiến hành thu gọn chiến lược toàn cầu, thì nước Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nicolas Sarkozy lại đồng thời can dự vào ba cuộc chiến tranh cùng một lúc ở Bờ Biển Ngà, Libya và Afghanistan?
Theo các nhà quan sát, dường như Pháp muốn tiếp nhận cây gậy chỉ huy từ tay “sen đầm quốc tế”, để thực hiện những toan tính của mình trên trường quốc tế, cũng như thu phục lòng dân trên con đường tìm kiếm nhiệm kỳ tới của Tổng thống Sarkozy. Sau khi ông Sarkozy lên làm Tổng thống, Pháp rơi vào cảnh nội chính rối loạn, kinh tế không khởi sắc, người dân bi quan. Kết quả trưng cầu dân ý mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy chỉ đạt 29%. Nếu tiến hành bầu cử Tổng thống vào lúc này, ông Sarkozy chắc chắn sẽ thảm bại. Cho nên, việc xác lập uy thế thông qua phát động chiến tranh đã trở thành biện pháp chủ yếu của ông Sarkozy nhằm tranh thủ lá phiếu cử tri.
Bờ Biển Ngà từng là thuộc địa của Pháp. Sự can dự của Pháp bằng súng đạn và viện trợ kinh tế vào Bờ Biển Ngà là rất rõ ràng, đồng thời bị kết tội dàn dựng cuộc đảo chính. Một đại diện phe Gbagbo không ngần ngại kết tội lực lượng đặc biệt Pháp đã “bắt cóc” Gbagbo. Tuy Pháp có cải chính, song chuyên gia Hassan Moali khẳng định “không ai tin”, đặc biệt là phe trung thành với Gbagbo và những người tố cáo sự can thiệp trắng trợn của Pháp vào công việc nội bộ của Bờ Biển Ngà dưới màu cờ LHQ. Bằng chứng là Pháp ngay lập tức tỏ lòng hào phóng bằng cách cung cấp ngay cho Bờ Biển Ngà khoản viện trợ 400 triệu euro để giúp thuộc địa cũ của mình giải quyết nhu cầu trước mắt của dân chúng và Abidjan. Ông Hassan Moali khẳng định Pháp đã bỏ tiền, vũ khí và huy động quân để hạ bệ Gbagbo thì, theo lôgic, sẽ chờ được đầu tư trở lại vào Bờ Biển Ngà.
Còn Libya nằm trong phạm vi thế lực truyền thống của Pháp, việc tham gia cuộc chiến ở hai nơi này tạo điều kiện thuận lợi để xốc lại chí khí lớn mạnh trước đây của người Pháp. Do vậy, ngay từ đầu Pháp đã hăng hái tham gia không kích Libya, công nhận lực lượng nổi dậy và lên tiếng phàn nàn NATO không hết mình tấn công chính quyền Gaddafi...
Bên cạnh việc ra tay trên chiến trường, ông Sarkozy còn muốn xuất hiện với hình ảnh mạnh mẽ trong các hội nghị đa phương. Tới đây, ngoài việc sẽ chủ trì nhiều hội nghị quốc tế lớn như hội nghị G-20, hội nghị G-7, Pháp còn muốn thúc đẩy việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân. Bởi vậy, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Sarkozy đã đến Nhật Bản, trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm quốc gia này sau trận động đất, sóng thần và xảy ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng, để động viên, chia sẻ việc khắc phục sự cố. Thông qua các hoạt động đó, ông Sarkozy muốn nước Pháp lại trở thành trung tâm của các hoạt động ngoại giao quốc tế để hâm nóng cảm giác vinh quang nước lớn của người dân.
Các nhà quan sát cho rằng Pháp rất có khả năng bị “lỗ vốn”. Ai cũng biết kinh tế Pháp ngày càng sa sút. Nhằm tiết kiệm chi phí quân sự, Pháp thậm chí còn quyết định cùng Anh sử dụng chung biên đội tàu sân bay. Nhưng khi đã tham gia đồng thời vào ba cuộc chiến, chi phí quân sự của Pháp sẽ tăng mạnh và vấn đề đặt ra là chủ nghĩa mạo hiểm Sarkozy sẽ cầm cự được bao lâu trong điều kiện tài chính căng thẳng. Trên thực tế, nếu nhìn vào vốn liếng của Pháp hiện nay, về căn bản nước này sẽ không thể chịu đựng được sự mạo hiểm của Sarkozy trong một thời gian dài. Nghị sĩ Đảng Xã hội và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Didier Mathus nhận xét khá thú vị, với kiểu phát động chiến tranh như ở Bờ Biển Ngà, Libya thì “mỗi tuần ông Sarkozy có thể tuyên bố tham gia một cuộc chiến trên khắp hành tinh”, nhưng xem ra “chủ nghĩa mạo hiểm Sarkozy” sẽ không kéo dài được lâu.
Nền chính trị nước Pháp có truyền thống phô trương, nhưng việc ông Sarkozy phát huy sự phô trương này tới cực điểm có thể sẽ gây ra vết thương trầm trọng nhất cho nước Pháp cả trước mắt và lâu dài.
NGUYÊN CHÂU