.

Đầu không xuôi, đuôi có lọt?

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4-4 đã chính thức tuyên bố khởi động chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2012. Ông hùng hồn khẳng định rằng trong khi chính quyền và những người ủng hộ ông trên khắp đất nước "tranh đấu để bảo vệ những tiến bộ chúng ta đã đạt được - và đạt nhiều tiến bộ hơn nữa - chúng ta cũng cần huy động cho năm 2012, sớm trước khi tới thời điểm tôi bắt đầu chiến dịch này một cách nghiêm túc". Tuy nhiên, sự khởi đầu của ông Obama đã gặp ngay hai trắc trở không đơn giản chút nào.

Một là, hoạt động của Chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đình trệ vào cuối tuần này do hết kinh phí nếu đến ngày 8-4 hai đảng trong QH vẫn không thỏa thuận được về vấn đề ngân sách hoạt động của Chính phủ. Trước đó, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner ra một thông báo cho biết mặc dù cuộc thảo luận giữa hai bên đang diễn ra tốt đẹp nhưng chưa thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Tuyên bố cũng nêu rằng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ không chịu ở thế bị buộc phải lựa chọn giữa "hai phương án đều xấu cho nước Mỹ". Còn Tổng thống Obama có cuộc gặp ông Boehner nhưng hai bên không đạt được một thỏa thuận nào. Ông Obama cho biết lãnh đạo hai bên sẽ tiếp tục thảo luận trong những ngày tới.  

Hai là, với tỷ lệ 90 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 5-4 đã dễ dàng thông qua một nghị quyết mang tính biểu tượng song có ảnh hưởng lớn trên phương diện chính trị, nhất là khi cuộc chạy đua vào Nhà trắng bắt đầu, theo đó tuyên bố quyết định can thiệp quân sự vào Libya hôm 19-3 cho đến nay của Tổng thống Obama vi phạm Hiến pháp Mỹ.  Điều đáng nói hơn cả là Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rand Paul bảo trợ đã sử dụng chính những ngôn từ của Tổng thống Obama về quyền hiến định của QH Mỹ trong việc tuyên bố chiến tranh để công kích Tổng thống.
 
Nghị quyết nhắc lại luận điểm của Tổng thống Obama hồi năm 2007, thời ông còn là một Thượng nghị sĩ, rằng theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống không có quyền tự ý cho phép phát động tấn công quân sự trong tình huống không liên quan tới việc ngăn chặn một mối đe dọa hiện hữu hoặc sắp xảy ra đối với nước Mỹ. "Đạo luật các quyền chiến tranh" của Mỹ chỉ cho phép tổng thống sử dụng vũ lực để đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ, vào các vùng lãnh thổ của Mỹ hoặc các lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, luật trên quy định Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội trong vòng 48 tiếng và binh sĩ Mỹ phải bắt đầu rút trong vòng 60 ngày sau đó, trừ phi nhận được sự cho phép đặc biệt của QH để có thể tiếp tục triển khai.

Với  quyết định của Nhà Trắng  can thiệp quân sự vào Libya mà không thông báo cho Quốc hội, không được cơ quan này cho phép là hoàn toàn vi phạm Hiến pháp Mỹ một cách nghiêm trọng, đi ngược lại những gì mà ông Obama từng tuyên bố trước đây.

Như vậy là ngay sau ngày khởi đầu cho một chiến dịch rộng lớn để tìm kiếm nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama đã gặp ngay rắc rối, một về đối nội, một về đối ngoại. Nhưng cái khá hóc búa là các nghị sĩ đã dùng ngay “tuyên ngôn” của ông Obama  về quyền phát động chiến tranh để chống lại ông.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.