.

Dọn đường rút quân?

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu được phát động cách đây gần 10 năm, ngay sau vụ tấn công kinh hoàng của Al-Qaeda nhằm vào nước Mỹ. Cũng có nghĩa là gần 10 năm Mỹ và liên quân tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào Afghanistan để lật đổ chính quyền Taliban và truy lùng Bil Laden cùng lực lượng khủng bố quốc tế do y cầm đầu.

Nhìn lại chặng đường cuộc chiến tranh Afghanistan người ta thấy Taliban không hề bị tiêu diệt mà ngày càng trỗi dậy với sức mạnh đáng lo ngại. Mỹ đã cay đắng rút quân khỏi Iraq và để lại hậu quả tại nước này rất nặng nề. Còn Afghanistan vẫn là mảnh đất đầy chết chóc và đau thương không chỉ đối với dân thường mà có tới hàng vạn  binh lính của chính quyền Kabul và Mỹ cùng Liên quân chết và bị thương. Thủ phạm không ai khác lại là Taliban, lực lượng mà Washington xóa bỏ chính quyền trước đây chỉ trong một thời gian rất ngắn. Thủ lĩnh của Taliban vẫn sống và đang chỉ đạo cuộc chiến tranh du kích nhằm vào Mỹ và Liên quân ngay tại Afghanistan và  ở biên giới quốc gia láng giềng Pakistan.

Một câu hỏi mà Tổng thống Mỹ Obama phải trả lời để trước khi rút quân về nước đúng với cam kết cử tri là giải quyết vấn đề Taliban ra sao? Taliban có tồn tại hay không tồn tại đã làm điên đầu  “nội các chiến tranh” của nước Mỹ. Nếu thừa nhận Taliban là lực lượng và có vai trò trong đời sống chính trị của Afghanistan thì hóa ra tiền của, mạng sống của hàng ngàn binh sĩ Mỹ và Liên quân đổ ra là công cốc, chấp nhận sự thất bại cay đắng? Còn nếu không thừa nhận vai trò của Taliban thì cuộc xung đột ở quốc gia Nam Á này không có hồi kết, nhất là khi Mỹ và Liên quân rút về nước tình thế càng nguy kịch hơn. Biết đâu khi đó còn là mảnh đất màu mỡ cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan phát triển, Al-Qaeda có cơ hội giành thế chủ động để mở rộng phạm vi hoạt động, đe dọa đến an ninh nước Mỹ?

Có lẽ trong tình thế đó, con đường có vẻ duy nhất đúng là Mỹ và các đồng minh thừa nhận vai trò của Taliban và tạo dựng cho lực lượng ôn hòa trong hàng ngũ  Taliban có chỗ đứng nhất định trên chính trường Afghanistan. Một số nghị sĩ Mỹ cũng lên tiếng về vấn đề này. Các quan chức cấp cao của Mỹ cũng bật đèn xanh cho chính quyền Kabul khởi động tiến trình đàm phán với Taliban để giải quyết cuộc xung đột. Pakistan, quốc gia láng giềng của Afghanistan, và cũng là nơi có rất nhiều mạng lưới của Taliban hoạt động cũng tính đến chuyện hòa đàm để loại trừ bạo lực, ổn định tình hình đất nước.

Một động thái được dư luận quốc tế gần đây chú ý là khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân GEO TV của Pakistan nhân chuyến thăm tới nước này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen, ngày 20-4 đã xác nhận các thông tin nói rằng Taliban tại Afghanistan sẽ mở một văn phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta cho rằng việc Taliban Afghanistan thiết lập văn phòng tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã được sự phê chuẩn của Pakistan, Afghanistan và Saudi Arabia với sự nhất trí của Mỹ. Vì một khi Taliban có văn phòng đại diện thì các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đàm phán hòa bình của chính quyền Kabul hay Mỹ với lực lượng này mới thực hiện được. Diễn biến này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đang có các nỗ lực nhằm bảo đảm rằng Afghanistan sẽ không rơi vào một cuộc nội chiến sau sự rút quân từng giai đoạn của lực lượng Mỹ và liên quân khỏi nước này, bắt đầu từ tháng 7 tới.

Theo các nhà quan sát đây là bước dọn đường của Mỹ và các đồng minh cho giai đoạn hậu chiến tranh. Nhưng đồng thời cũng cho thấy cuộc chiến mà Mỹ theo đuổi gần 10 năm qua ở Afghanistan sẽ không theo kịch bản của “nội các chiến tranh” do người tiền nhiệm G.W. Bush vạch ra và Obama kế thừa trong mấy năm qua.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.