Tình hình chính trị hiện nay ở Yemen đang đặt cho Washington đứng giữa hai dòng nước. Một bên là chính quyền của Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đang trị vì nước này suốt 18 năm qua và đồng hành với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là các chi nhánh Al Qaeda ở bán đảo Arab. Một bên là lực lượng biểu tình chống chính phủ kéo dài từ tháng 1-2011 đến nay, đòi Tổng thống Saleh phải từ chức, cải cách dân chủ...
Vì mục tiêu chống khủng bố đặt lên hàng đầu, nên những năm qua, Mỹ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Saleh trên nhiều phương diện. Làn sóng biểu tình dâng cao, lực lượng an ninh Yemen áp dụng nhiều biện pháp mạnh, gây thương vong lớn, nhưng Mỹ và các đồng minh phương Tây chỉ lên tiếng lưu ý, chứ không hề có các biện pháp mạnh nào như trừng phạt kinh tế hay các hành động quân sự như họ áp dụng ở Libya. Tổng thống Saleh tuyên bố sẽ không từ chức vì phần lớn người dân vẫn ủng hộ ông. Ông Saleh nói: "Không bao giờ, thiểu số lại áp đặt cho đa số. 95% dân số Yemen ủng hộ an ninh và ổn định”.
Trong khi đó, những người biểu tình có khi lên đến hàng trăm ngàn người, do lực lượng đối lập lãnh đạo luôn gây áp lực lên Tổng thống Saleh. Càng ngày các cuộc biểu tình chống Chính phủ càng nhốm màu bạo lực. Đáng chú ý, làn sóng biểu tình diễn ra vào sáng 4-4 tiếp tục leo thang tại Yemen và bạo lực đẫm máu lại xảy ra khi lực lượng cảnh sát và an ninh bắn đạn hơi cay và súng trường vào những người biểu tình. Các bác sĩ cho biết hơn 400 người biểu tình đã bị thương khi cảnh sát bắn đạn thật và hơi cay để giải tán đám đông tìm cách tuần hành tới một dinh thự Tổng thống Saleh ở thành phố Hudaida bên bờ biển Đỏ.
Mỹ cũng không thể tìm cách ngăn chặn phe đối lập và những người biểu tình vì làm như vậy trái với những tuyên bố mang tính chính trị của các nhà lãnh đạo Washington và đồng minh.
Vậy thì Washington làm gì trước biến cố chính trị hiện nay ở Yemen? Tờ New York Times số ra ngày 3-4 dẫn lời các quan chức Mỹ và Yemen cho biết Nhà Trắng sẽ không tiếp tục ủng hộ Tổng thống đang chịu nhiều áp lực của Yemen Saleh và đang tham gia dàn xếp về sự ra đi của nhà lãnh đạo này. Washington lâu nay vẫn ủng hộ Saleh, người lên cầm quyền tại Yemen từ năm 1978, và chính quyền của Tổng thống B. Obama thường hạn chế tối đa việc công khai chỉ trích ông Saleh. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã nói với các đồng minh rằng Washington đánh giá nhà lãnh đạo Yemen không thể bảo vệ được vị trí hiện nay trước làn sóng biểu tình lan rộng, đồng thời tin nhà lãnh đạo này sẽ rời nhiệm sở. Tờ New York Times còn cho biết các cuộc thương lượng về sự ra đi của Tổng thống Saleh đã được bắt đầu hơn một tuần trước, trong đó tập trung vào đề xuất ông Saleh chuyển giao quyền lực cho một Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống cho tới khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. Một quan chức Yemen giấu tên nói với tờ New York Times rằng nguyên tắc này "hiện không gây tranh cãi", song thời điểm chuyển giao cần phải bàn thêm.
Theo New York Times, mục đích của Washington trong việc buộc phải “thay ngựa giữa dòng” này rất cần bảo đảm mục tiêu là “cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Yemen không bị ảnh hưởng”. Nhưng để bảo đảm cho điều đó thì hiện nay chưa có câu trả lời chắc chắn. Vì lực lượng đối lập hay một một Chính phủ mới thay thế cũng chưa nói trước được điều gì. Đặc biệt ở một quốc gia đang có sự phân hóa sâu sắc giữa các phe phái và lực lượng khủng bố quốc tế Al-Qaeda chi nhánh bán đảo Arab đang thắng thế ở nhiều khu vực, là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh Yemen cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là Mỹ và phương Tây.
NGUYÊN CHÂU