Một trong những nhân tố làm cho cuộc đấu tranh của người Palestine bị giảm đi sức mạnh là sự chia rẽ trong nội bộ, mà lực lượng chính yếu nhất là Phong trào Hồi giáo Hamas và Phong trào Fatah. Hiện nay, hai lực lượng này chiếm giữ hai vùng đất khác nhau ở Dải Gaza và Bờ Tây và chưa tìm được tiếng nói thống nhất để xây dựng một chính quyền để tiến tới hình thành một Nhà nước độc lập cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái theo lộ trình hòa bình Trung Đông do Bộ tứ soạn thảo.
Cộng đồng quốc tế nhất là Ai Cập và các nước khác trong khu vực đã nhiều lần hối thúc, làm môi giới cho Hamas và Fatah ngồi vào bàn đàm phán, nhưng thỏa thuận hòa giải vẫn chưa thành hiện thực. Thế nhưng, mới đây, kênh truyền hình quốc gia Ai Cập và Hãng tin MENA đưa tin, sau các cuộc đàm phán, hai đoàn đại biểu của Hamas và Fatah ngày 27-4 đã ký một thỏa thuận hòa giải sơ bộ tại thủ đô Cairo. Theo kênh trên, Fatah và Hamas đã đạt được một thỏa thuận về các vấn đề gây tranh cãi, trong đó có việc tổ chức các cuộc bầu cử và thành lập chính phủ lâm thời.
Người dẫn đầu đoàn đại biểu Fatah, ông Azzam al-Ahmad cho biết: "Đã có một thỏa thuận toàn diện và cuối cùng". Về phần mình, người phát ngôn của Hamas, ông Taher Al-Nono nói: "Hai bên đã ký các văn kiện ban đầu về một thỏa thuận. Tất cả những điểm khác biệt đã được giải quyết". Người dân Palestine tại Dải Gaza và Bờ Tây đã hoan nghênh Hamas và Fatah nhất trí thỏa thuận hòa giải dân tộc tại thủ đô Cairo, Ai Cập. Vì thỏa thuận đó sẽ làm cho hai vùng đất Dải Gaza và Bờ Tây gần lại nhau, từng bước tìm ra tiếng nói chung để thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, vì một Nhà nước Palestine.
Tuy nhiên, sau khi thông tin đáng ngạc nhiên trên được công bố, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu - người từ lâu vẫn tuyên bố chống lại việc hai phong trào này của Palestine hòa giải - ngay lập tức phản ứng. Ông Netanyahu nói: "Chính quyền Palestine phải lựa chọn giữa hòa bình với Israel hay hòa bình với Phong trào Hamas. Cùng lúc sẽ không thể có hòa bình với cả hai bởi Hamas đang cố gắng phá hoại Nhà nước Israel và luôn công khai thể hiện điều này. Tôi cho rằng ý tưởng hòa giải chứng minh sự yếu kém của chính quyền Palestine và mở ra triển vọng cho Hamas giành quyền kiểm soát toàn bộ Palestine. Tôi hy vọng chính quyền Palestine sẽ đưa ra lựa chọn tốt, đó là hòa bình với Israel".
Phong trào Hồi giáo Hamas bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Israel coi là một tổ chức "khủng bố" khi phong trào này từ chối công nhận Nhà nước Do Thái. Nhà Trắng đã khẳng định ủng hộ quá trình hòa giải tại Palestine song luôn coi Hamas "là một tổ chức khủng bố giết hại thường dân" và yêu cầu chính quyền tương lai của Palestine phải từ bỏ bạo lực và công nhận sự tồn tại của Israel.
Đáp lại những lời lẽ hiếu chiến của Thủ tướng Netanyahu, sự lo ngại của Mỹ và phương Tây, Nabil Abu Rdainah - người phát ngôn của Tổng thống Palestine Abbas - nói: "Chúng tôi cho rằng sự hòa giải này là vấn đề nội bộ của Palestine, không cần Israel phải quan tâm".
Việc hai phong trào chính của Palestine hòa giải cũng sẽ là một thách thức nữa đối với Israel, nước vẫn nói rằng sẽ ngừng quan hệ với một chính quyền Palestine thống nhất. Đối với các nước tài trợ phương Tây, tiến trình hòa bình tại Palestine đã bị "đình trệ" quá lâu. Đến nay, các nhà tài trợ này (Mỹ và châu Âu) luôn tẩy chay Hamas. Liệu họ có thay đổi ý định sau khi hai nhóm này hòa giải hay không? Đây là câu hỏi khá hóc búa đang đặt ra cho Israel và các bên có liên quan trước một thỏa thuận mang tính bước ngoặt của Hamas và Fatah.
Nhưng ở một khía cạnh khác, một số nhà phân tích Palestine kêu gọi hãy thận trọng trước tin tức về một thỏa thuận hòa giải. Hani Habib, nhà phân tích tại Gaza, nói: "Những bài học kinh nghiệm trước đây giúp chúng tôi hiểu không nên vội vã đưa ra các nhận định. Chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá khứ, khi các thỏa thuận được ký kết, các chính phủ được thành lập và sau đó mọi sự đã sụp đổ".
NGUYÊN CHÂU