.

Không được bôi nhọ sự thật lịch sử

Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô trước đây đã cứu loài người thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát xít Hiler. Để có chiến công đó, hàng triệu người con Xô Viết anh hùng đã ngã xuống vì mục tiêu cao cả: giải phóng đất nước, giải phóng các dân tộc anh em trong Liên bang Xô Viết và các nước châu Âu khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức, Ý. Ghi nhận những chiến công thần kỳ và đầy đau thương đó, nhiều tượng đài đã được xây dựng để tưởng nhớ và nhắc nhở mọi người.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã vào những năm 90 của thế kỷ trước, một trong những quốc gia bị trào lưu xuyên tạc lịch sử tấn công mạnh mẽ nhất là nước Nga. Một số chính khách, các học giả phương Tây và cả những nhân vật thuộc các nước Cộng hòa Liên bang Xô Viết cũ tìm mọi cách kích động, bôi nhọ lịch sử, phá hủy tượng đài Chiến thắng… Ngày 22-4, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã ra tuyên bố đề nghị áp đặt các biện pháp trừng phạt về chính trị và kinh tế đối với những âm mưu nhằm xuyên tạc hoặc viết lại lịch sử Liên Xô. Tuyên bố vạch rõ tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang xuất hiện tâm lý tiêu cực đối với các dân tộc thuộc LB Nga và lịch sử thời Xô Viết trong khi các nỗ lực của Nga nhằm hình thành bầu không khí đối tác tin cậy không phải lúc nào cũng nhận được sự thông cảm và phản ứng tích cực tại một loạt nước trong không gian hậu Xô Viết và thậm chí còn có hành động xuyên tạc quá khứ lịch sử chung của các dân tộc anh em. 

Dư luận còn nhớ, năm 2010, phát biểu nhân dự lễ kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô Beograt của Cộng hòa Serbia thuộc Nam Tư cũ, một trong những  hoạt động đầu tiên mừng 65 năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã lên tiếng cực lực phản đối mưu toan xuyên tạc lịch sử, đổ trách nhiệm cho Liên Xô cùng với Đức quốc xã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai, và coi đó là quan điểm “đáng ghê tởm” nhất. Tổng thống Medvedev nêu rõ không phải ở đâu người ta cũng chống lại bọn phát xít, bằng chứng là một loạt quốc gia châu Âu đã không chống cự lại phát xít, nhiều nước khác không những không ủng hộ, mà còn tiến hành cuộc chiến cùng phe với chế độ Hitler hoặc hỗ trợ hậu cần cho bộ máy chiến tranh của chúng.
 
Theo Tổng thống Medvedev, hiện có một số kẻ, chẳng hạn ở Ukraine hay các nước Bantic, đang chủ trương “anh hùng hóa” những kẻ trước đây ủng hộ phát xít Hitler, coi chúng là “chiến sĩ đấu tranh vì tự do”, trong khi một số khác lại tìm cách đầu cơ chính trị chống Nga, đưa ra các luận điểm về trách nhiệm ngang nhau của nước Đức Hitler và Liên Xô trong việc khởi chiến, nhằm đạt được những quyền lợi chính trị ích kỷ của mình. Điều đó là rất vô đạo đức đối với hương hồn hàng triệu người đã hy sinh đời mình trong cuộc chiến chống phát xít, cũng như trong các trại tập trung phát xít. Những hành động như vậy chỉ có thể đánh giá là khinh thường kết quả cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, không tôn trọng những quyết định mà cộng đồng thế giới đã tuyên bố thời đó, cụ thể là những tuyên bố tại tòa án quân sự Nurumber...

Thái độ đó của Duma quốc gia và Tổng thống Nga một lần nữa khẳng định sự đúng đắn và tầm vĩ đại của Cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô trước đây. Đồng thời cũng là bài học cảnh giác cho chúng ta, khi mà số kẻ thù địch trong và ngoài nước tìm mọi cách xuyên tạc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối của chúng. Lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do thông tin báo chí, sự bịa đặt của chúng dưới nhiều hình thức khác nhau để gieo rắc vào các tầng  lớp nhân dân ta sự hoài nghi, ngộ nhận  về Đảng, về lãnh tụ của dân tộc, về sự hy sinh xương máu của hàng triệu đồng bào chiến sĩ, để hòng làm mất lòng tin, tạo cơ hội cho kẻ thù thực hiện “âm mưu diễn biến  hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.