.

Không khoan nhượng

Đất nước đứng hàng đầu thế giới về sản lượng ca cao Bờ Biển Ngà đang rơi vào nội chiến với sự can thiệp của nước ngoài, cụ thể là Pháp và Liên Hợp Quốc (LHQ). Nguyên nhân xuất phát từ cuộc chiến giành quyền lực giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Laurent Gbagbo với người đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái, ông Alassane Ouattara.

Khủng hoảng nhân đạo sâu sắc đang đe dọa Abidjan, thành phố lớn nhất của Bờ Biển Ngà. Tổng thống được quốc tế công nhận Ouattara đã lên tiếng thúc giục Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ trừng phạt với Bờ Biển Ngà để đất nước của ông tái khởi động các hoạt động thương mại. Song, ông Ouattara chỉ kiểm soát cảng San Pedro - cảng xuất khẩu ca cao chính, chứ không vươn tay được đến thành phố Abidjan, bởi nơi đây là “đại bản doanh” của đối thủ Gbagbo.

Nhiều nhà quan sát băn khoăn rằng, nếu bị lật đổ, số phận của Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo sẽ như thế nào khi lực lượng trung thành với người đắc cử đang đe dọa bắt ông. Nếu bị bắt, ông Gbagbo có thể được giao cho ông Ouattara và sẽ đối mặt với các cáo buộc khác nhau, trong đó có tội thảm sát nhiều thường dân. Chưa rõ cáo buộc là đúng hay sai, nhưng sự “căng cơ” giữa 2 vị tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài lại đẩy hơn 20 triệu dân vào tâm thế bất an và hỗn loạn.

Ông Gbagbo không dễ đầu hàng và cả ông Ouattara cũng không chịu khuất phục. “Các ngài yêu cầu tôi rời khỏi đây. Rời bỏ và sẽ đi đâu? Đối thủ của tôi đã không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, mà chính tôi mới là người chiến thắng”, ông Gbagbo nói. Còn ông Ouattara cam kết khôi phục an ninh, đáp ứng các nhu cầu cơ bản và trả lương sau 5 tháng diễn ra xung đột khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

“Cơ hội cuối cùng để ra đi yên bình” dành cho ông Gbagbo theo cách gọi của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xem ra sẽ khó khăn. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, lực lượng của ông Ouattara có thể đánh bại ông Gbagbo mà không cần sự trợ giúp của Pháp và LHQ. Cuộc chiến tại một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Tây Phi vẫn ở thế giằng co và số phận của ông Gbagbo đang treo lơ lửng.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.