.

Sự thiên vị gây lo ngại

Vấn đề hòa bình Trung Đông, mà đỉnh điểm là cuộc xung đột Palestine-Israel, luôn trở thành điểm nóng cả trên các diễn đàn quốc tế lẫn trên thực tế, suốt hơn bốn chục năm qua. Việc Israel chiếm đất của người Arab, tiến hành các cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn nhằm vào vùng đất do người Palestine sinh sống, gây ra cái chết của hàng ngàn thường dân, hay cản trở sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do thái… đã làm cho tiến trình hòa bình Trung Động bị ngưng trệ, gây bất bình trong dư luận.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là vì sao Israel hành động một cách ngang ngược như vậy, nhưng không bị lên án, không bị phê phán hay có một giải pháp mạnh nào đó của cộng đồng quốc tế nhằm vào Nhà nước Do Thái? Sẽ có một câu trả lời rất đơn giản, rằng Israel là đồng minh chiến lược số một của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Những lợi ích của Washington tại khu vực này rất quan trọng và đều thông qua Israel để kiểm soát, chi phối. Do vậy những hành động ngang ngược của Tel Aviv không thể tách rời với những hỗ trợ đứng đằng sau của Mỹ. Mỗi năm, Washington phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Tel Aviv nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của nước này. Ngoài ra còn có nhiều viện trợ khác để cho Nhà nước Do Thái đủ mạnh nhằm phục vụ lợi ích chiến lược của Washington.  Nếu quốc gia nào có hành động lên án, can thiệp, hay gây hấn  Israel,  thì ngay lập tức được Mỹ bảo vệ, bao che một cách không ngần ngại.

Bởi vậy, mấy chục năm qua, LHQ thông qua khá  nhiều nghị quyết lên án Israel có hành động vi phạm nhân quyền, đàn áp người Palestine, cản trở tiến trình hòa bình… nhưng đều bị Mỹ phủ quyết. Mới đây, ngày 15-4, Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua nghị quyết 138 đòi LHQ hủy bỏ Báo cáo Goldstone tố cáo lực lượng quốc phòng Israel (IDF) tấn công có chủ ý và không chính đáng nhằm trừng phạt, làm nhục và khủng bố dân thường Palestine. Nghị quyết 138, Thượng viện Mỹ cho rằng báo cáo dày 575 trang của Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Israel ở dải Gaza, Richard Goldstone, đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và mang tính thành kiến nặng nề chống Israel. Với cách lập luận như vậy, nghị quyết Thượng nghị viện Mỹ yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hành động trong tất cả quyền hạn của một Tổng Thư ký LHQ để khắc phục những thiệt hại đối với uy tín của Israel do báo cáo sai lầm của Richard Goldstone gây ra! Thượng viện Mỹ cũng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ thay đổi triệt để tiến trình điều tra của LHQ để không thường xuyên xảy ra những chỉ trích không công bằng, giả dối và không thích hợp chống Israel.  

Sự thiên vị của Thượng viện Mỹ lần này tiếp tục  gây lo ngại và cho dư luận thấy rằng, chìa khóa vấn đề hòa bình Trung Đông  không nằm ở đâu xa lạ mà chính trên tay của Nhà Trắng. Vì nếu không có sự bao che dung túng của Mỹ thì Israel không thể làm gì khác được trong một xu thế Nhà nước Palestine phải ra đời, các vùng đất của người Arab phải được trả lại cho người Arab.

Song  có một điều đáng khích lệ là bất chấp sự rút lui ý kiến của Richard Goldstone và nhóm điều tra của ông, cùng  sức ép của Mỹ, cho đến nay, LHQ và Hội đồng Nhân quyền LHQ vẫn không hủy bỏ Báo cáo Goldstone. Điều đó để cho thấy một thực tế, đã đến lúc phải nói không trước những đòi hỏi vô lý của Mỹ và Israel, để nhanh chóng thiết lập một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông.           
 
 NGUYÊN CHÂU

 
;
.
.
.
.
.